1. Năm 2014, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh ra mắt bộ sách thơ gồm 4 cuốn: Nhim nhỉm nhìm nhim; Mẹ Hổ dịu dàng; Ngày xưa, ngày nay, ngày sau; Vui cùng tiếng Việt, do NXB Trẻ ấn hành. Sau đó 1 năm, bộ thơ này được trao giải đồng, Giải thưởng Sách Việt Nam (nay là Giải thưởng Sách quốc gia). Mới đây, chị “sinh đôi” 2 tập thơ Phù thủy sợ ma (NXB Kim Đồng) và Mèo con đếm tuổi (NXB Trẻ).
TS Nguyễn Thụy Anh trong một buổi đọc sách cùng các em nhỏ tại CLB Đọc sách cùng con |
Tập thơ Phù thủy sợ ma với 36 bài thơ dễ thương, mở ra một thế giới tinh thần vừa tươi vui vừa ấm áp, lại bắt trúng cảm xúc và tâm lý của trẻ nhỏ. Định nghĩa về tình yêu hẳn đã có nhiều người nhắc đến, nhưng qua cái nhìn và cách lý giải của TS Nguyễn Thụy Anh, tình yêu không ở đâu xa, mà chính ngay trong cuộc sống hàng ngày. Đó là khi chúng ta muốn: “Ở cạnh một người/ Thích người ấy cười/ Sợ người ấy khóc (…) Khi ta tỉnh giấc/ Tên người trên môi…” (Đồng dao tình yêu).
Nổi bật trong tập thơ Phù thủy sợ ma là tình cảm thân thương và thiêng liêng của người mẹ. Những bài thơ Đồng dao tình yêu, Tập viết, Phù thủy sợ ma, Tổ yến, Mẹ Dế kể chuyện Dế, Đoán xem mẹ tớ… giúp bạn đọc, trong đó có các em nhỏ, cảm nhận rõ hơn về tình cảm của mẹ, về vai trò, ý nghĩa của người mẹ trong sự lớn lên của những đứa con. Chính bài thơ được chọn làm tên cho cả tập thơ đã gần như nói thay cho điều này. Giống như rất nhiều đứa trẻ, phù thủy trong bài thơ này cũng… sợ ma. Ấy vậy mà chỉ cần gọi “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” thì tức thời, đã không còn sợ nữa. Mẹ hiện diện gần gũi và kỳ diệu như vậy. Đây có lẽ là sự ngợi ca đầy thú vị và tinh tế, mà chỉ những người gần gũi với tâm hồn các em mới có khả năng này.
Cùng ra mắt trong đợt này còn có tập thơ Mèo con đếm tuổi. Điều thú vị là cả 16 bài thơ trong tập thơ đều chọn mèo làm “nhân vật chính”. Điều này hẳn sẽ là một thách thức không nhỏ với người viết, nhưng TS Nguyễn Thụy Anh đã vượt qua được, không những vậy, còn rất tài tình để 16 bài thơ, dù viết cùng một đề tài nhưng không bài nào lặp lại. Mèo xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau, lúc làm “thủ môn”, lúc “xem lịch”, có lúc lại nghịch với cuộn len rối… Và đặc biệt, thông qua những chú mèo tinh nghịch nhưng cũng giàu tình cảm, tác giả khéo léo đánh thức trong tâm hồn các em lòng trắc ẩn dành cho mèo: “Mèo không chỗ ở/ Đứng run góc vườn/ Lá rơi cũng sợ…/ Thương ơi là thương!” (Mèo con). Và đương nhiên, lòng trắc ẩn ấy, từ chỗ chỉ dành cho mèo, sẽ được mở rộng và lớn dần lên, dành cho nhân loại cũng như muông thú khác.
2. Không phải ai làm thơ, biết làm thơ cũng làm được thơ cho thiếu nhi. Nhưng có lẽ, nhờ hội tụ đủ đam mê và tình yêu với thơ thiếu nhi, cũng như tình yêu với trẻ nhỏ, nên TS Nguyễn Thụy Anh vẫn có thể đàng hoàng trở thành một trong những cây bút thơ thiếu nhi được chú ý hiện nay. Dù được xuất bản ở 2 đơn vị khác nhau, nhưng Phù thủy sợ ma và Mèo con đếm tuổi đều được in màu và do họa sĩ Kim Duẩn vẽ tranh. Có thể nói, họa sĩ Kim Duẩn đã “đọc vị” thơ và dụng công cho sáng tạo mỹ thuật, từ đó, mang đến những bức tranh đẹp về bố cục lẫn màu sắc, tạo thành những trang sách vừa sinh động vừa bay bổng giữa thơ và họa.
CLB Đọc sách cùng con được hình thành từ năm 2010 tại Hà Nội. Đây là tổ chức hỗ trợ văn hóa đọc gia đình, cung cấp phương pháp tiếp cận con trẻ cho cha mẹ và hỗ trợ rèn luyện cho các em nhỏ kỹ năng đọc, tự học và các kỹ năng xã hội khác. Hơn 10 năm trôi qua, đã có rất nhiều em nhỏ lớn lên cùng với những trang sách. Còn với TS Nguyễn Thụy Anh, chừng đó thời gian là những xúc cảm ở lại, được gửi gắm vào những bài thơ thiếu nhi.
Nói về sự ảnh hưởng của thơ đối với trẻ nhỏ, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: “Các em đến với thơ thật tự nhiên. Từ nhịp nhịp bước đi êm ái của mẹ khi mang bé trong lòng, trẻ đã có thơ. Từ cái nhìn cuộc sống đầy lạ lẫm, trẻ đã nghĩ thơ, sống thơ. Từ những cố gắng diễn đạt những khái niệm mới, tứ thơ đã hình thành… Và nói thơ là việc mà trẻ gần gũi hơn tất thảy! Ở CLB Đọc sách cùng con, tôi luôn cảm thấy rung động sâu sắc khi nghe các bạn nhỏ đọc thơ và chia sẻ hồn nhiên hàng trăm điều lặt vặt đáng yêu mà thơ gợi nhắc cho các em”.
“Cô Thụy Anh chắc chắn không phải là “bậc thầy pháp thuật” nhưng nhất định là “bậc thầy tâm lý”. Chỉ có bậc thầy tâm lý mới hiểu rõ đối với trẻ em, mẹ là nơi trú ẩn an toàn nhất, là một quyền năng màu nhiệm hơn bất cứ một bùa chú nào. Tôi thích bài thơ Phù thủy sợ ma quá, đến mức không cưỡng được ước muốn trích dẫn toàn bài. Đây có lẽ là bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách Thụy Anh: Gần gũi, đáng yêu, ngộ nghĩnh và đặc biệt cái kết bao giờ cũng đem lại bất ngờ thú vị cho người đọc”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận xét.