Bước chuyển mình đáng chờ đợi
Mùa hè bất tận (Du Bút và NXB Thanh niên) là tác phẩm truyện tranh hiếm hoi khai thác về lứa tuổi học trò. Bằng nét vẽ tinh tế, tác giả Lâm Hoàng Trúc đã tái hiện một không gian trường lớp và gia đình hết sức gần gũi của Việt Nam với hình ảnh cây phượng, sân trường, hay con hẻm nhỏ lộn xộn mà yên tĩnh giữa trưa hè. Trước khi bán được bản quyền cho NXB Toshokan, Mùa hè bất tận đã phát hành được 7.000 cuốn và hiện đang được Du Bút chuẩn bị tái bản.
Trước tác phẩm của Lâm Hoàng Trúc, vào tháng 12-2022, bộ truyện Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm (Comicola và NXB Dân trí) của tác giả Hoàng Tường Vy đã thắng giải đồng tại Cuộc thi Truyện tranh quốc tế Nhật Bản lần thứ 16. Đây là tác phẩm thứ 3 do Comicola phát hành nhận được giải thưởng này, sau 2 giải bạc năm 2016 và 2017 với 2 tác phẩm Long thần tướng và Địa ngục môn.
Một dấu mốc quan trọng đối với ngành truyện tranh trong nước là sự hợp tác giữa NXB Kim Đồng và NXB Kadokawa (Nhật Bản) với dự án truyện tranh Sơn, Goal! Tác phẩm lấy đề tài về “môn thể thao vua” tại Việt Nam, được xây dựng kịch bản và bối cảnh tại Việt Nam với sự tham gia của đội ngũ sản xuất đến từ Nhật Bản và cả Việt Nam. Chỉ chưa đầy một năm ra mắt, tập 1 của dự án truyện tranh Sơn, Goal! đã nhanh chóng chạm tới con số 20.000 bản. Tập 2 cũng vừa được ra mắt tại Đường sách TPHCM vào tháng trước.
Quan sát thị trường truyện tranh Việt Nam trong những năm gần đây, có thể thấy những bước chuyển mình đầy khởi sắc và đáng để chờ đợi. Ngoài sự tham gia ngày càng đông của các tác giả trẻ, đề tài trong các tác phẩm truyện tranh cũng đa dạng và phong phú hơn. Đặc biệt là nét vẽ của các họa sĩ (nhiều trường hợp vừa là tác giả vừa là họa sĩ) tinh xảo, không thua kém họa sĩ nước ngoài.
Có thể kể đến Lâm Hoàng Trúc với Mùa hè bất tận, Đường hoa; Phan với loạt truyện: Xứ Mèo, Thị trấn hoa mười giờ (đã xuất bản 3 tập, năm 2023 ra mắt tập 4), Về nơi có nhiều cánh đồng; Lê Thư, từng đạt giải B Giải Sách Quốc gia năm 2018 vừa ra mắt Gửi em, một trong những tác phẩm truyện tranh hiếm hoi dành cho độc giả tuổi trưởng thành… Và đặc biệt, yếu tố lịch sử cũng được nhiều tác giả và đơn vị chú trọng khai thác như các tác phẩm Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm, Long Thần Tướng, Vạn nhân ký…
Trưng bày tác phẩm truyện tranh từ các tác giả trẻ tại Đường sách TPHCM |
Cơ hội kép
Còn sớm để kỳ vọng về một ngành công nghiệp trong tương lai, nhưng theo những người trong ngành, cơ hội dành cho truyện tranh Việt Nam hiện nay là không ít. Ông Lê Thắng, Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam, cho biết, hiện nay truyện tranh của Nhật Bản đang bão hòa. “Trong một thị trường có quá nhiều tác phẩm, quá nhiều tên tuổi và quá nhiều sự cạnh tranh khốc liệt, các tác giả mới có một nghịch lý - để có được một bộ truyện hay phải làm dần dần mới có sự hay dần. Vấn đề là ở thị trường bên đó không có chỗ cho hay dần mà phải là hay lập tức mới được chú ý”, ông Lê Thắng nói.
Ngược lại, ở Việt Nam, thị trường truyện tranh vẫn như bãi đất trống, còn nhiều chỗ để “cắm dùi”, mức độ cạnh tranh chưa cao. Đây chính là cơ hội cho các tác giả trong nước. Ông Lê Thằng bày tỏ: “Hiện tại, công chúng của Việt Nam rất đông, dù có thể họ đang đọc truyện tranh nước ngoài nhiều hơn. Mức độ cạnh tranh trong nước dường như là không, vấn đề là mình có làm ra được một tác phẩm đủ tiêu chuẩn xuất bản hay không mà thôi”.
Đồng quan điểm, anh Trần Duy Nguyễn, Giám đốc Công ty Du Bút, cho biết: “Thị trường truyện tranh Việt vẫn còn nhỏ. Một bản manga thường in từ 10.000-15.000 cuốn, trong khi truyện tranh Việt Nam rất e dè, chỉ từ 1.000-2.000 cuốn cho một lần in. Nếu xét về tiềm năng độc giả thì rất còn nhiều, chủ yếu là người ta có đủ bao dung để ủng hộ truyện tranh Việt Nam hay không. Bởi nói gì thì nói, truyện tranh Việt hiện vẫn còn nhiều hạn chế, khó mà so sánh được với nước ngoài”.
Ngoài ra, thêm một cơ hội nữa cho truyện tranh Việt chính là việc trở thành chất liệu cho các bộ phim. Thực tế đã có bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký, chuyển thể từ bộ truyện Thần đồng Đất Việt ra rạp và sắp tới là phim hoạt hình Con thỏ, chuyển thể từ bộ truyện Thỏ bảy màu. Cùng với đó, bộ truyện Long Thần Tướng hiện cũng đã lọt vào “mắt xanh” nhà đầu tư của bộ phim Lê Nhật Lan…
Theo anh Trần Duy Nguyễn, việc đầu tư kinh phí cho một tác phẩm truyện tranh quá nhỏ so với kinh phí cho một bộ phim. Chính vì vậy, các nhà đầu tư sẵn sàng đặt hàng làm truyện tranh theo ý của họ. “Dùng truyện để kêu gọi đầu tư sẽ dễ dàng hơn so với cầm một tập kịch bản thuần chữ. Truyện tranh không phải mục đích chính của nhà đầu tư, mà nó chỉ là bước đệm, yếu tố cộng thêm. Dự án phim có thành công hay không thì chưa thể biết, nhưng việc tìm đến truyện tranh là xu hướng có thể thấy được hiện nay”, anh Trần Duy Nguyễn cho biết.
"Nhìn vào ngành công nghiệp truyện tranh của Nhật Bản, Hàn Quốc, rõ ràng ngành sáng tác nói chung và truyện tranh nói riêng được đầu tư rất lớn, đặc biệt là từ góc độ nhà nước. Nhờ đó mới tạo ra được hệ sinh thái giúp những họa sĩ, tác giả yên tâm dấn thân. Ở Việt Nam, thậm chí truyện tranh vẫn còn phải đối mặt với định kiến, chưa được coi trọng, chưa thấy được lợi nhuận và sự nghiêm túc của nó"
Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam LÊ THẮNG