Truyện tranh kinh dị ở Việt Nam ai quản?

Truyện tranh kinh dị ở Việt Nam ai quản?

Đầu tháng 5-2007, chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất bản 8 bộ truyện kinh dị trong đó có truyện tranh của Nhật Bản “Death Note”. Ở Việt Nam, tác phẩm này đã được xuất bản trọn bộ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Truyện tranh kinh dị hàng đầu

“Death Note” là câu chuyện về một cuốn sổ do tử thần mang đến Trái đất. Cuốn sổ này chứa đựng một sức mạnh khủng khiếp, bất kỳ ai bị ghi tên vào cuốn sổ đều sẽ phải chết. Chàng thiếu niên Raito Yagami là người đã nhận được cuốn số này và anh quyết định dùng nó để xây dựng một thế giới không có tội ác bằng cách giết tất cả những ai mà theo anh là có tội. Tuy nhiên hành động tự quyết định việc sống chết của người khác đã biến Raito trở thành kẻ thù của pháp luật. Kể từ đó cuộc chiến giữa người giữ cuốn sổ và những người bảo vệ công lý đã diễn ra quyết liệt dẫn đến cái chết của nhiều người.

Truyện tranh kinh dị ở Việt Nam ai quản? ảnh 1

Đầy rẫy truyện tranh kinh dị ở Việt Nam. Ảnh: T.V.

Truyện “Death Note” do tác giả Tsugumi Ohba dựng cốt truyện và do Takeshi Obata vẽ tranh. Bộ truyện ra mắt lần đầu vào tháng 5-2004 và lập tức đứng đầu bảng những tác phẩm manga ăn khách nhất tại Nhật Bản. Đây là tác phẩm manga đầu tiên được xây dựng không dựa vào hành động của nhân vật mà sử dụng yếu tố ly kỳ, hồi hộp để thử thách trí óc người đọc nhằm đoán biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trong lĩnh vực này, Bộ truyện đã vượt xa những bộ sách theo phong cách vụ án như Conan, Kindaichi... và không có gì khó hiểu khi nó đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của độc giả, thậm chí còn được dựng thành phim.

Tuy nhiên, rất nhiều người đã cho rằng đây là một tác phẩm bạo lực thuộc loại nặng nhất nhì trong thể giới truyện tranh manga hiện nay. Nhận xét này không phải không có lý, vì khác với các bộ truyện tranh khác yếu tố bạo lực thường nằm ở hành động nên chỉ kích động nhất thời còn “Death Note” lại xây dựng nên một loại bạo lực có vẻ “chính nghĩa”. Những ý kiến, biện luận của nhân vật chính về hành vi giết người hàng loạt của mình có một logic rất chặt chẽ mà bạn đọc nếu không đủ bản lĩnh rất dễ tưởng nhầm là đúng đắn. Trong khi đó độc giả chính của loại truyện này lại là thanh thiếu niên mới lớn, lứa tuổi rất khó nhận xét đúng sai các vấn đề phức tạp của cuộc sống nên ảnh hưởng của bộ truyện càng trở nên nặng nề. Đầu năm 2007, sau khi bộ phim “Death Note” được công chiếu tại Nhật đã xảy ra các vụ giết người với những tình tiết giống như trong truyện và phim. Chính vì yếu tố bạo lực như vậy nên bộ truyện này khi qua một số nước đã bị ngăn cấm nhằm tránh những sự việc
đáng tiếc.

Truyện bạo lực ở Việt Nam - Ai kiểm soát?

Tại Việt Nam, “Death Note” được NXB Tổng hợp Đồng Nai liên kết với hiệu sách Hồng Nhung xuất bản lần đầu vào tháng 8-2006 và đến tháng 3-2007 thì hoàn tất trọn bộ. Theo thông tin trên bìa sách thì sách được xuất bản theo quyết định xuất bản số 418/QĐ/QĐ-ĐoN và được Cục Xuất bản xác nhận ngày 22-12-2005. Tuy nhiên, theo giới làm sách thì bộ sách này cũng như nhiều bộ truyện tranh khác do NXB này xuất bản đều không có bản quyền, và một điều đáng chú ý nữa là bộ truyện cũng không hề có bất cứ thông tin nào trên sách cảnh báo tính bạo lực hay giới hạn lứa tuổi bạn đọc. Hiện nay, chỉ có hai NXB là Trẻ và Kim Đồng có các biện pháp phân lập, hướng dẫn bạn đọc. Còn các NXB khác hầu như không quan tâm về vấn đề này.

Theo Luật Xuất bản mới được áp dụng từ 1-7-2005 thì NXB phải chịu trách nhiệm trực tiếp với các ấn phẩm do mình xuất bản. Tuy nhiên, cho đến nay, khi thông tin về vụ cấm bộ truyện tranh “Death Note” tại Trung Quốc đã ầm ĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tại Việt Nam hầu như vẫn chẳng có ai quan tâm đến sự tồn tại của bộ truyện tranh nổi tiếng bạo lực này. Thậm chí, hiện nay đã xuất hiện nhiều diễn đàn, hội quán hâm mộ “Death Note” của bạn đọc Việt Nam nhưng các cơ quan chức năng vẫn bình chân như vại. Điều này cho thấy mảng truyện tranh hiện nay vẫn còn bị bỏ ngỏ không ai kiểm soát và hậu quả là một thế hệ trẻ đang bị bỏ mặc, tự do tiếp xúc với những ấn phẩm đầy nguy hiểm. 

Tân Tường

Tin cùng chuyên mục