Thời gian gần đây, một nhà xuất bản nổi tiếng với nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi đã mạnh dạn “truyện tranh hóa” nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam lẫn thế giới. Hai bộ truyện tranh “Danh tác Việt Nam” gồm: Chí Phèo (tập 1), Tắt đèn (tập 2), Giông tố (tập 6)… và “Danh tác thế giới” gồm: Thằng gù Nhà thờ Đức Bà, Những người khốn khổ, Romeo và Juliet… cùng nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, được giới thiệu đến bạn đọc, chủ yếu dành cho lứa tuổi 6+.
Được nhà xuất bản giới thiệu là dòng truyện được chuyển thể dưới dạng trình là truyện tranh (comic), đặc trưng với lời thoại ngắn gọn, mang nhiều yếu tố gây cười. Những điều này, nhằm giúp người đọc thưởng thức tác phẩm văn học kinh điển một cách đời thường và gần gũi hơn, nhưng vẫn không làm mất đi giá trị của bộ sách.
Vẫn biết hình ảnh sẽ giúp người xem, người đọc đỡ nhàm chán hơn và đặc biệt hình ảnh có màu càng dễ đi vào lòng người, đó là sự thật không thể phủ nhận. Nhưng việc mang hết tác phẩm văn học ra để “truyện tranh hóa”, liệu có phải là cách làm hay, hay một sự ôm đồm quá sức?
Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng, việc “truyện tranh hóa” những danh tác nổi tiếng giúp người đọc cảm nhận rõ nét hơn về các nhân vật thông qua hình ảnh minh họa. Cùng với đó là sự giản lược tác phẩm, chủ yếu thể hiện lời thoại của các nhân vật với nhau, giúp bạn đọc không ngán ngẩm với những tác phẩm dài. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến phản đối, bởi thực tế khi nhìn qua những hình ảnh trong truyện rất dễ nhầm lẫn với truyện manga của Nhật Bản.
Nhân vật chị Dậu đã có ba con, nhưng ảnh trong truyện thể hiện khá teen, trẻ trung như nữ sinh với mắt to tròn, long lanh, vóc dáng chuẩn, gương mặt theo nét V-line, hay nhân vật Chí Phèo lại mang nét hung tợn của tên cướp biển phương Tây… Tất cả dường như rất xa lạ với hình ảnh khốn khổ của người nông dân lam lũ, khi lâm vào bước đường cùng mà các tác giả văn học đã dày công tạo nên bằng sự sắc sảo của ngôn từ.
Được giới thiệu bộ truyện tranh dành cho lứa tuổi 6+, tuy nhiên những câu thoại như “Ông chửi ba đời nhà mày, cha tiên sư bố mày”… được lặp đi lặp lại khá nhiều trong các tác phẩm. Điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngôn ngữ của các em nhỏ.
Tác phẩm văn học là sự chuyển tải thông điệp hay đơn giản hơn là tâm tư, suy nghĩ của tác giả thông qua ngôn từ. Cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học nằm ở tài năng xây dựng nhân vật, cốt truyện, ngôn từ và nghệ thuật ngôn từ cũng như lối diễn đạt, hành văn của riêng mỗi tác giả. Việc “truyện tranh hóa” các tác phẩm, khiến người đọc không khỏi hụt hẫng vì gần như không toát lên được nét riêng đặc sắc của từng tác giả. Người đọc không còn nhận ra những bút pháp mỉa mai thâm thúy, nghệ thuật trào phúng đặc trưng hay giọng văn sắc lạnh, gân guốc của những tác giả bậc thầy về ngôn từ như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố…
Bên cạnh đó, “truyện tranh hóa” sẽ làm bó hẹp trí tưởng tượng của người đọc về hình ảnh các nhân vật điển hình của văn học qua từng giai đoạn. Hồn cốt của các nguyên tác cũng không còn thể hiện rõ, vì nhiều chi tiết văn học đắt giá đã bị cắt gọt để phù hợp với thể loại truyện tranh. Không phải lứa tuổi nào cũng có thể cảm nhận được các danh tác và không phải danh tác nào cũng chuyển thể thành truyện tranh được.