Truyền thông về du lịch cần có mục tiêu cụ thể, hiểu thị hiếu của du khách

Chiều 8-9, trong khuôn khổ ITE HCMC 2022, phát biểu tại chương trình gặp gỡ bàn về công tác truyền thông du lịch do UBND TPHCM tổ chức, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Về chiến lược truyền thông, đã đến lúc ngành du lịch cần phải tính toán đến truyền thông có mục tiêu cụ thể, đúng thị hiếu của du khách…

Chương trình gặp gỡ Tổng Biên tập các cơ quan báo chí truyền thông để cùng bàn về công tác truyền thông du lịch trong khuôn khổ ITE HCMC 2022 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chủ trì. 

Truyền thông về du lịch cần có mục tiêu cụ thể, hiểu thị hiếu của du khách ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại chương trình gặp gỡ các tổng biên tập. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng chí Phan Thị Thắng nhấn mạnh truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quảng bá phát triển du lịch; đồng thời góp phần quảng bá những hình ảnh đẹp về đất nước, con người của điểm đến, định vị thương hiệu địa phương, quốc gia và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế… Thời gian gần đây ngành du lịch Thành phố đã có những chuyển biến tích cực trong công tác truyền thông. 
Truyền thông về du lịch cần có mục tiêu cụ thể, hiểu thị hiếu của du khách ảnh 2 Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong đóng góp ý kiến tại chương trình gặp gỡ chiều 8-9. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các thông tin du lịch được đăng tải thường xuyên trên các báo đài. Trong đợt cao điểm của Chiến dịch truyền thông “Hello Ho Chi Minh City” năm 2019 và “Chương trình Thành phố Hồ Chí Minh Chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” năm 2022 đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trên phạm vi rộng với hàng ngàn bài viết, hình ảnh, thông tin được đăng tải trên các nền tảng truyền thông báo giấy, báo in, bản tin, chuyên đề…  

Những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành “điểm tựa” cho ngành du lịch vững tin trong hoạt động, thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước suốt thời gian qua.  Thế nhưng, bên cạnh những thế mạnh và kết quả đạt được, ngành du lịch Thành phố cũng cần phải nhìn nhận vào thực trạng công tác quảng bá xúc tiến thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có chiến lược marketing điểm đến Thành phố; quảng bá, xúc tiến chưa dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường, hoạt động xúc tiến các dự án đầu tư du lịch chưa bài bản…

Chia sẻ và đóng góp ý kiến tại chương trình, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong, nhìn nhận ngành du lịch là một trong những ngành gánh chịu thiệt hại nhiều nhất trong đại dịch vừa qua. Với TPHCM, ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, ngành du lịch cũng là ngành phục hồi nhanh chóng nhất so với các ngành khác.

Truyền thông về du lịch cần có mục tiêu cụ thể, hiểu thị hiếu của du khách ảnh 3 Việc tăng cường quảng bá, truyền thông điểm đến giúp du khách quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. Trong ảnh: Người mua quốc tế tìm hiểu thông tin tại gian hàng TSTtourist chiều 8-9
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Thành ủy, UBND TPHCM, cũng như vai trò cá nhân của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa đã liên tục xúc tiến ở từng quận huyện trên địa bàn, đồng thời kết nối khắp các tỉnh thành từ Hà Giang, khu vực miền Trung đến tận ĐBSCL... để từng bước giúp du lịch TPHCM phục hồi.

Trong suốt quá trình nỗ lực không ngừng, có sự đồng hành rõ nét của báo chí TPHCM. Báo SGGP cũng trong xu thế chung, liên tục thông tin, tuyên truyền, phục hồi du lịch, bám sát các sự kiện từ nhỏ đến lớn của ngành du lịch, nhằm lan tỏa đến với bạn bè khắp mọi miền, trên tất cả các nền tảng từ báo in đến online, nền tảng mạng xã hội. Chúng tôi xem đây như một phần trách nhiệm của báo chí và nhiều cơ quan báo chí khác trên địa bàn TPHCM cũng làm như vậy. Ở một góc nhỏ nào đó, Báo SGGP có quyền tự hào rằng đã góp sức cho ngành du lịch phục hồi nhanh hơn.

“Tôi đánh giá cao ý tưởng có cuộc gặp gỡ hôm nay, nhưng để ngành du lịch thực sự phát triển bền vững, tôi cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Về chiến lược truyền thông, đã đến lúc ngành du lịch cần phải tính toán đến truyền thông có mục tiêu cụ thể, tìm hiểu thị hiếu của du khách… Ví dụ, dễ thấy, Gành đá đĩa miền Trung đẹp hơn hẳn Gành đá đĩa Hàn Quốc, nhưng việc truyền thông của Hàn Quốc tốt hơn, họ quảng bá từ đầu đến cuối chương trình ngay khi du khách đặt chân đến đây.

Tiếp theo, ngành du lịch cần chủ động, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời cho các cơ quan báo chí giúp họ làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần chung vào sự phát triển của ngành du lịch nói riêng, kinh tế TPHCM nói chung; đồng thời trong sự đi lên có một phần đóng góp và thụ hưởng ngược lại của báo chí”, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong góp ý.

Truyền thông về du lịch cần có mục tiêu cụ thể, hiểu thị hiếu của du khách ảnh 4

Khách trải nghiệm ngắm TPHCM từ sông Sài Gòn bằng du thuyền
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên nhận định, nút thắt lớn nhất của ngành du lịch hiện nay theo phản ánh của các doanh nghiệp chính là visa và đề xuất cần xây dựng được chiến lược truyền thông tầm quốc gia cho du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút khách trong thời gian tới.

Đối với Nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, thì ngành du lịch cần phải tập trung để có giải pháp quay lại con số như từng đạt được, tìm ra điểm nghẽn đang nằm ở đâu để sớm giải quyết kịp thời. 

Tổng cục Du lịch vừa cho biết, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM, Trung tâm Thông tin du lịch có tổ chức gian hàng giới thiệu về Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh - một sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh.

Tại gian hàng có chương trình phát hành Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Đây là sản phẩm nằm trong chương trình “Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia” do Bộ Công Thương chủ trì. Thẻ du lịch thông minh được ứng dụng công nghệ chip EMV, mã hóa Triple DES, tích hợp đa chức năng về du lịch, y tế, ngân hàng, thương mại, giao thông, giáo dục… hỗ trợ người dùng thanh toán 1 chạm, thanh toán trực tuyến, không tiếp xúc.

Bên cạnh thẻ vật lý, thẻ du lịch thông minh (mã QR) cũng đã được tích hợp lên ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”. Khi tải ứng dụng, ngoài thẻ du lịch thông minh, khách du lịch có cơ hội sử dụng một hệ sinh thái các tiện ích công nghệ như đặt vé máy bay, khách sạn, mua vé điện tử vào điểm tham quan, mua sắm trực tuyến… Đối với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có chấp nhận thẻ du lịch thông minh và cài đặt ứng dụng “Quản trị và kinh doanh du lịch”, để hoàn tất thanh toán với khách du lịch chỉ cần giao tiếp 1 chạm giữa điện thoại thông minh và thẻ. Hơn nữa, mọi giao dịch thanh toán điện tử giữa người mua và người bán đều được miễn phí.

 

Tin cùng chuyên mục