Truyền thông văn hóa - sáng tạo hay phản cảm!

Sự việc ê kíp đoàn phim "Âm dương lộ" dùng xe cứu thương chở dàn diễn viên đến buổi ra mắt phim đã thể hiện sự chủ quan và thiếu hiểu biết, gây hậu quả khó lường. Về truyền thông, "Âm dương lộ" là bộ phim khai thác đề tài về nghề lái xe cứu thương.

Chính vì thế, những người làm công tác quảng bá cho phim đã nảy ra ý tưởng dùng chính xe cứu thương để làm điểm nhấn cho buổi ra mắt phim.

Chỉ tiếc rằng, hành động có vẻ “độc đáo” này lại gây phản cảm với cộng đồng, vi phạm pháp luật. Cái giá phải trả cho việc làm thiếu hiểu biết này là hình phạt từ cơ quan chức năng, chưa kể hệ lụy xấu đến chính tác phẩm điện ảnh.

Trong thời đại công nghệ bùng nổ và cạnh tranh khốc liệt, PR (Public Relations - tạo dựng hình ảnh trước công chúng) là trợ thủ đắc lực, đặc biệt với phim ảnh. PR không quyết định thành bại nhưng ảnh hưởng lớn đến doanh thu, đóng vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà phát hành và khán giả.

Theo lẽ thường, các ê kíp sẽ xây dựng chiến lược truyền thông theo chủ đề phim. Thế nhưng chỉ một sai lầm dù nhỏ, thậm chí chỉ là vạ miệng, cũng có thể gây hậu quả nặng nề. Không chỉ Âm dương lộ, mà nhiều bộ phim Việt cũng từng nếm “trái đắng” vì PR sai cách hoặc rơi vào khủng hoảng truyền thông ở những mức độ khác nhau.

Screenshot 2025-03-31 101358.png
Hình ảnh dàn diễn viên đến dự sự kiện trên xe cứu thương gây tranh cãi và bức xúc. Ảnh: VĂN TUẤN

Nhìn rộng ra, hiện nay việc lạm dụng các chiêu trò trong truyền thông quảng bá, tình trạng quảng cáo quá đà, sai sự thật, thổi phồng… xuất hiện tràn lan, nhất là trong thời đại bùng nổ mạng xã hội.

Đầu tháng 3, một nhóm thanh niên khiêng quan tài diễu phố nhằm tạo hiệu ứng, tăng tương tác cho việc kinh doanh, bán quần áo online, đã gây xôn xao dư luận và phải nhận án phạt của cơ quan chức năng. Trước đó, nhiều nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng vướng vào bê bối quảng cáo sai, trở thành vấn đề nhức nhối.

“Chiêu trò” độc - lạ - sốc để quảng bá không còn xa lạ. Nhiều người bất chấp mọi thủ đoạn để thu hút sự chú ý, kể cả chấp nhận dùng “truyền thông bẩn”. Một thời, trào lưu lập nhóm tẩy chay trên mạng xã hội nở rộ, rồi dần biến tướng thành công cụ bán hàng khi sự việc “chìm xuồng”. Lượt like, xem, chia sẻ, theo dõi… trở thành mục tiêu cuối cùng, bởi con số tăng, đồng nghĩa lợi nhuận tăng. Tuy nhiên, không ít trường hợp phải trả giá đắt.

Như mới đây, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị phạt 140 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật - “một viên kẹo bằng đĩa rau”. Nhưng đến nay, vẫn còn nhiều trường hợp chưa bị xử lý hoặc việc xử lý chưa đủ sức răn đe. Phải chăng thuốc chưa đủ đắng nên bệnh chưa dứt?

Xét cho cùng, truyền thông, quảng bá trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự tỉnh táo và biết đâu là điểm dừng. Đặc biệt, với các sản phẩm văn hóa, truyền thông còn luôn phải đi kèm với việc hướng khán giả đến những giá trị nhân văn, tích cực và lan tỏa trong cộng đồng. Khi chạy theo hiệu ứng đám đông hoặc những chiêu trò giật gân, ranh giới giữa sáng tạo và phản cảm trở nên mong manh.

Một bước đi sai lầm có thể kéo theo hậu quả khôn lường, bởi “sai một ly, đi một dặm”. Giống như chơi dao sắc, nếu không cẩn trọng, sớm muộn cũng làm tổn thương chính mình.

Tin cùng chuyên mục