Truyền thông Triều Tiên kêu gọi người dân sẵn sàng thắt chặt chi tiêu

Trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ, ngày 23-7, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã kêu gọi người dân sẵn sàng cho việc “thắt lưng buộc bụng”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thanh sát công trường xây dựng nhà máy thủy điện ở tỉnh Bắc Hamgyong, Triều Tiên. Ảnh : preecevilleprogress.com
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thanh sát công trường xây dựng nhà máy thủy điện ở tỉnh Bắc Hamgyong, Triều Tiên. Ảnh : preecevilleprogress.com

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, đã gợi nhớ lại giai đoạn khó khăn của Triều Tiên hồi những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm quốc gia Đông Bắc Á này phải trải qua nạn nghèo đói cùng cực do mất nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước Đông Âu cũ. Báo này khẳng định dù phải mất nhiều thời gian để vượt qua giai đoạn khó khăn với việc thắt chặt chi tiêu, Triều Tiên vẫn thẳng tiến trên con đường đấu tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh những quan ngại gia tăng về khả năng đình trệ trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ. Trước đó, hồi đầu tháng 7, truyền thông Mỹ cáo buộc, Bình Nhưỡng đang tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của nước này và đang cố đánh lừa Mỹ về những nỗ lực giải trừ vũ khí của họ.

Ngày 22-7, Tướng Vincent Brooks, Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc nhấn mạnh, khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn còn nguyên vẹn bất chấp lời hứa giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tiến trình chậm hơn dự kiến này đã phủ bóng đen lên triển vọng lập tức dỡ bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt nào mà Bình Nhưỡng có thể đang theo đuổi để thúc đẩy nền kinh tế yếu kém của nước này, đổi lại Triều Tiên phải từ bỏ các vũ khí hạt nhân. Các nhà quan sát cũng nhận định lời kêu gọi thắt chặt chi tiêu này có thể nhằm mục đích giảm bớt hy vọng của người dân Triều Tiên sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, cũng như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. 

Nền kinh tế Triều Tiên đang ở mức yếu kém nhất trong vòng 20 năm qua. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Bắc Á này trong năm ngoái đã giảm khoảng 3,5% so với năm 2016, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1997. BOK cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các lệnh trừng phạt quốc tế đang áp đặt nhằm ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục