Dung dưỡng và lan tỏa
Nhóm Tình Tang + đang thực hiện song song hai chương trình Cầm đàn, tìm hiểu về những nhạc khí truyền thống và Ca trù 101, khám phá giá trị tinh hoa cả về âm nhạc, văn hóa của người Việt.
Quán Nghệ đang tổ chức chuỗi talkshow thể nghiệm với mục tiêu giúp đối tượng mọi lứa tuổi cởi mở hơn về tình yêu dành cho văn hóa - nghệ thuật truyền thống.
Phan Khắc Huy, người sáng lập dự án Vang vọng trống chầu (Echoing Drum) liên tục tổ chức các buổi trò chuyện, workshop và nhiều chương trình điền dã kết hợp rèn luyện sức khỏe, học tập, khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa truyền thống.
Minh Đời, chàng trai sinh năm 1998 quê Cà Mau, xuất thân trong gia đình có cha mẹ là thợ may lành nghề, tự lúc nào đã yêu thích những chiếc áo dài nam nhà Nguyễn nên mày mò tìm hiểu và tỉ mỉ may từng chiếc áo này.
Những chiếc áo ngũ thân được Minh Đời chăm chút từng đường kim, mũi chỉ |
4 dự án, hành động này hầu hết của những người trẻ 8X-9X, dù khác nhau về hình thức tổ chức, cách thức thực hiện, nhưng có một điểm chung: xuất phát từ tình yêu văn hóa truyền thống, muốn dung dưỡng và lan tỏa để nó ngày càng phát triển, ăn sâu vào đời sống đương đại.
Với hơn 10 năm hoạt động và quan sát, Khắc Huy cho rằng, xu hướng tiếp biến và xung đột văn hóa càng làm cho nhiều bạn trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống. Đặc biệt khi ra bên ngoài, họ luôn muốn trả lời câu hỏi: Ta là ai? Ta mang theo những gì? Khắc Huy chia sẻ: “Nhiều hội, nhóm, cá nhân đã chọn con đường giới thiệu, quảng bá, gìn giữ và phát triển các lĩnh vực văn hóa truyền thống đa dạng. Các sự kiện chủ đề văn hóa chưa bao giờ nở rộ nhiều như 2 năm gần đây”.
Cũng theo anh, so với 10 năm trước, càng ngày càng nhiều người trẻ nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa truyền thống, là nguồn tri thức, chất liệu sáng tạo quý báu các thế hệ đi trước để lại. Từ đó tự mình học hỏi, sáng tạo thêm cho chính thế hệ mình.
Minh Đời cũng nhìn nhận mình bị cuốn vào dòng chảy của phong trào phục hưng cổ phục, từ những năm 2017-2018. Anh cho biết, việc theo đuổi nghiên cứu và may các trang phục áo dài ngũ thân truyền thống trước hết phục vụ đam mê. Hay như quan điểm của Bùi Huỳnh Khánh Tường, người sáng lập Tình Tang +, xem đây là không gian, cơ hội để bản thân tìm ra cách phù hợp tiếp nối truyền thống trong xã hội đương đại; tìm cách để đặt tiếp 1 viên gạch lên bức tường truyền thống, vốn đã dày.
Có một điểm chung ở hầu hết những dự án, hành động của người trẻ, đó là đề cao tính trải nghiệm. Như quan điểm của nhóm Quán Nghệ, họ đặc biệt “rủ” khán giả nhìn nhận việc giữ gìn văn hóa truyền thống một cách tự nguyện thông qua những nội dung khơi dậy sự tò mò. Từ đó, giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn và yêu lâu dài.
Việc mỗi người trẻ thử nghiệm và kiến tạo truyền thống mới, cũng đồng nghĩa họ đang đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Bởi Việt Nam có thể là bất cứ người Việt Nam nào, ở bất cứ đâu.
Làm “giàu” từ truyền thống
Theo Minh Đời, những năm gần đây, văn hóa cổ phong ngày càng được quan tâm nên anh có một lượng khách hàng ổn định để vừa làm nghề vừa trang trải chi phí sinh hoạt. Quan điểm của anh, trước hết phải tôn trọng nghề nghiệp cũng như đứa con tinh thần của chính mình, bởi được sống với nghề cũng chính là niềm vui. Mỗi tháng, anh hoàn thành 15-20 áo dài cho khách hàng, trong đó có người Việt ở nước ngoài. “Tôi không nghĩ mình có thể sống khỏe với nghề. Nhưng quan trọng hơn, là được tổ nghề chọn và được sống bằng đam mê”, anh tâm sự.
Hiện nay, hoạt động của các nhóm, cá nhân nghiên cứu văn hóa truyền thống hoặc theo hình thức phi lợi nhuận, kêu gọi tài trợ, đóng góp từ cộng đồng hoặc dùng chính các sản phẩm văn hóa tạo nguồn thu, vừa lan tỏa giá trị truyền thống đồng thời duy trì được hoạt động. Theo Khánh Tường, cần sự kết nối và chung tay từ nhiều nguồn lực xã hội khác nhau có chung hệ giá trị cộng đồng - văn hóa - nghệ thuật.
“Chúng tôi có thể làm không vì lợi nhuận, nhưng thực tế, cần có lợi nhuận từ xã hội để duy trì và tiếp tục phát triển”, cô chia sẻ. Còn theo Khắc Huy: “Trải qua hơn 10 năm hoạt động, cũng là chừng ấy năm, tôi và cộng sự tìm kiếm một mô hình hoạt động phù hợp với thực tế. Một mô hình phải kết hợp được hài hòa giữa quảng bá, giáo dục, khám phá, thực hành và sáng tạo văn hóa, vừa phải chứng minh được hiệu quả kinh tế, tính bền vững. Phải trải qua nhiều lần thử - sai, chúng tôi mới tạm hài lòng với mô hình hoạt động hiện nay”.
Các hoạt động của Vang vọng trống chầukết hợp học và khám phá văn hóa bản địa |
Hiện mỗi chương trình của “Vang vọng trống chầu” có mức giá 350.000-900.000 đồng.
Nhưng việc làm “giàu” từ truyền thống ở đây không hẳn chỉ xét ở khía cạnh kinh tế. Hiệu quả tích cực nhất đó chính là sự lan tỏa, tức là làm cho văn hóa truyền thống thâm nhập, bén rễ vào đời sống đương đại một cách tự nhiên, đặc biệt thu hút người trẻ.
Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho rằng mọi người luôn nghĩ làm văn hóa với phát triển bền vững tốn kém và cần nhiều thứ. Tuy nhiên, theo anh, yếu tố tiên quyết chính là sự quan sát, trải nghiệm, sống cùng và hiểu văn hóa một cách nghiêm túc và yêu thương sẽ có cách làm thông minh và mang lại nhiều giá trị. “Hãy làm cái nhỏ với tình yêu lớn” - là quan điểm của anh. Hay như chia sẻ của Khánh Tường: “Bên cạnh sự can đảm - dám nghĩ, dám làm, chúng tôi nghĩ còn là dám nhận sai, dám học hỏi, dấn thân để cải thiện và làm tốt hơn trong tương lai”.
Phan Khắc Huy rất đồng tình với quan điểm truyền thống thuộc về tương lai. Theo anh: “Người trẻ ngày nay đã có cái nhìn rộng rãi và tự do hơn về văn hóa, đã vượt thoát khỏi những từ khóa, những biểu tượng đóng khung. Văn hóa không là của riêng ai. Ai cũng có thể lựa chọn, chạm vào, sử dụng, thỏa sức thử nghiệm, sáng tạo để kiến tạo truyền thống mới cho tương lai. Hiện tại chính là kết quả của sự lựa chọn ở quá khứ. Và tương lai chắc chắn là thành quả của sự lựa chọn của mỗi con người chúng ta, bây giờ.
* Nguyễn Quốc Hoàng Anh: Bảo tồn nhưng vẫn phải mở
Sức hấp dẫn của Việt Nam đương đại, ở phần sâu thẳm của nó là những câu chuyện về cá nhân và bản sắc; về quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi không thực sự hiểu đúng và sâu sắc về quá khứ cũng như di sản, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái bơ vơ không điểm tựa về mặt tinh thần. Và trạng thái đó có thể khiến chúng ta bị bối rối trước các dòng văn hóa mạnh mẽ đang chảy vào từ bên ngoài.
Bảo tồn nhưng vẫn phải là một nền văn hóa mở. Văn hóa bản địa đang ở trong giai đoạn hồi sinh khi các nghệ sĩ trẻ sử dụng nó để khám phá lịch sử, thẩm mỹ, kết nối thế hệ và kiến tạo một truyền thống mới. Một truyền thống mà họ nghĩ rằng họ thuộc về nó.
* Minh Đời: Phát huy giá trị người xưa để lại
Cộng đồng cổ phong hiện tại đã có những chuyển biến tích cực. Các bạn trẻ tạo ra nhiều sân chơi thú vị. Tôi thấy rằng sự “đứt gãy” văn hóa trong lịch sử đã được “nối” lại bằng tình yêu thương các giá trị cổ truyền, mà giới trẻ đã và đang gánh vác rất nhiều những trọng trách đó. Không chỉ riêng nghề may, tôi còn thấy được các làng nghề khác cũng cùng chung tay trong quá trình phát dương văn hóa. Vì mỗi tà áo dài không chỉ liên quan đến may mặc, còn liên hệ đến các làng nghề khác như kim hoàn, làm guốc dép và phục sức đi kèm. Càng có nhiều bạn trẻ bận đúng, mặc đẹp mới phát huy hết được các giá trị ông bà để lại.
* Phan Khắc Huy: Người trẻ cần cầu thị và khiêm cung
Các bạn trẻ đã dấn thân, hầu như vào mọi lĩnh vực của truyền thống là điều tích cực nhất tôi thấy được. Tuy vậy, đâu đó, tôi vẫn thấy có sự đứt gãy, cũng như thiếu đối thoại từ nhiều phía để thấu hiểu nhau về phương pháp, bối cảnh và cách làm các hoạt động liên quan đến văn hóa truyền thống. Ai cũng có quyền sáng tạo và diễn giải, nhưng đường hướng sáng tạo và diễn giải đó không phải là duy nhất đúng. Người trẻ cần cầu thị, khiêm cung hơn để học hỏi đến nơi đến chốn. Và người đi trước cần bao dung, hiểu bối cảnh thực hành văn hóa ngày nay đã đổi khác nhiều, để thông cảm hơn cho sự tiếp nhận và sáng tạo cái mới.