Bài báo nêu bật tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng về phong cách giản dị và vì lợi ích của dân tộc, đồng thời khẳng định tư tưởng của Người trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Không những vậy, sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại vị thế xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Bài báo kết luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực xây dựng tình đoàn kết về chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính, tìm ra các phương cách đấu tranh giải phóng loài người. Người đã để lại một tình yêu bao la, một trí tuệ anh minh, một tầm nhìn sâu sắc và trường tồn.
Cũng nhân dịp này, bà Elizabeth Tortosa, nhà hoạt động cách mạng Venezuela, đồng thời là phu nhân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Venezuela Jesús Faría Tortosa, đã chia sẻ về kỷ niệm được gặp Bác Hồ trong thời gian có mặt tại Việt Nam. Bà Elizabeth hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Bà nhớ lại: “Tôi hoàn toàn bị lôi cuốn bởi những lời nói chất chứa tình cảm anh em của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi rất ấn tượng bởi phong cách giản dị, trí tuệ anh minh và sự khiêm tốn cách mạng của Chủ tịch”.
Theo bà Elizabeth, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà đã đọc rất nhiều tài liệu về huyền thoại Hồ Chí Minh, cũng như được học về tư tưởng, đạo đức cách mạng của vị Lãnh tụ nhằm tăng cường, phát triển đạo đức cộng sản như một động lực cơ bản của Đảng Cộng sản và cách mạng. Bà Elizabeth khẳng định, trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc gặp gỡ với Bác Hồ đã cho bà một trong những bài học chính trị lớn nhất và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương lãnh đạo cách mạng vĩ đại của thế kỷ 20.
Dịp này, bà Pooja Sengupta, Giám đốc nghệ thuật, sáng lập Nhà hát vũ kịch Turongomi của Bangladesh, nhà nghiên cứu, biên đạo múa vở vũ kịch “Người đi tìm ánh sáng” tái hiện cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (công diễn tháng 9-2019), đã có bài viết chia sẻ về tâm tư, tình cảm nhân dân Bangladesh với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những trăn trở, gian nan trong quá trình tái hiện cuộc đời của Người trong tác phẩm này.
Trong bài viết, bà Sengupta cho biết, qua quá trình biên đạo vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà như được chứng kiến cuộc đấu tranh của một thanh niên dù chỉ có thể kiếm sống qua ngày nhưng làm việc hết sức chăm chỉ, tiết kiệm từng đồng để mua máy in in tờ rơi. Và chỉ với những tờ rơi này, người thanh niên ấy đã khơi dậy sự đồng cảm của thế giới với nỗi thống khổ của dân tộc mình, để rồi cả thế giới chung tay hiện thực hóa giấc mơ giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam. Theo bà Sengupta, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo người dân Bangladesh ngưỡng mộ, giống như ở Việt Nam. Người đã trở thành hình tượng một chính trị gia đầy cống hiến trong lòng người dân Bangladesh. Quá trình tái hiện cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng khó khăn, vì cuộc đời của Người vốn có nhiều biến động. Bà Sengupta chia sẻ, đội ngũ của bà đã tập trung vào hai việc - nghiên cứu về cuộc đời Bác Hồ qua tư liệu sách báo, phim tài liệu về Người... và đồng thời viết kịch bản. Chỉ kể lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian 40 phút đã quá khó, tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật cho khán giả quốc tế còn gian nan gấp bội. Bà Sengupta nhấn mạnh, đây thực sự là niềm tự hào nhưng cũng vô cùng áp lực. Kết thúc bài viết, bà nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh là tên mà Người đã chọn cho mình. Nó có nghĩa là Người mang lại ánh sáng. Ánh sáng Người đã dày công thắp lên, chính là ánh sáng lương tri trong chúng ta, soi sáng tâm hồn mỗi chúng ta”.
Tờ AJU của Hàn Quốc mới đây đăng bài viết của Giáo sư Ahn Kyung-Hwan tại Trường Đại học Chosun khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên một trang sử mới của Việt Nam, được nhân dân Việt Nam kính trọng như vị anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Giáo sư Ahn Kyung-Hwan cũng dẫn lại bài báo đăng trên Tạp chí Times của Mỹ khi Bác qua đời ngày 2-9-1969, nhận định: “Không có nhà lãnh đạo quốc gia nào khác trên thế giới đấu tranh bền bỉ và kiên cường trước lưỡi gươm của kẻ thù như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bài viết của Giáo sư Ahn Kyung-Hwan cũng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lý tưởng yêu nước, Người đã dành cả cuộc đời cho độc lập, tự do dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, là một nhà lãnh đạo vĩ đại được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng.
Trong cuộc trao đổi với nhà báo kỳ cựu Hàn Quốc Park Chan Kyong về Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 130 của Người, nhóm phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc được ông Park Chan Kyong cho biết, các tài liệu mới phát hiện trong kho lưu trữ ở Paris, Pháp cho thấy Bác Hồ kết bạn với một số nhân vật trong Chính phủ lâm thời của Hàn Quốc hồi năm 1920. Kể từ khi gặp gỡ tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, Bác Hồ và các chiến sĩ đấu tranh giành độc lập cho Hàn Quốc đã trở thành những người bạn thân thiết, truyền cảm hứng cho nhau và khích lệ nhau trong các cuộc đấu tranh giành độc lập.