Kỳ vọng tốt đẹp
Chiều 6-4, hãng thông tấn KPL của Lào có bài viết mang tiêu đề “Quốc hội Việt Nam kiện toàn các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước”, đánh giá về việc Quốc hội Việt Nam bầu các chức danh chủ chốt, gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Bài viết đánh giá các đồng chí được bầu vào các chức danh lãnh đạo Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều đã để lại nhiều dấu ấn với nhiều nỗ lực, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm cao trên cương vị trước đây của mình.
Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu các chức danh chủ chốt, hãng thông tấn Italy Agenziastampaitalia đã đăng bài viết của tác giả Andrea Fais, đánh giá ban lãnh đạo mới của Việt Nam đưa đất nước tái khởi động trong điều kiện thuận lợi.
Báo điện tử Eldyar của Ai Cập có bài viết với tựa đề “Việt Nam bầu các nhà lãnh đạo mới cho đất nước... và triển vọng về việc nâng trao đổi thương mại với Ai Cập lên 1 tỷ USD”. Các nhà báo Sayed Badry và Mohamed Al-Saeed cho rằng, Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2020 đã đạt được những thành tựu to lớn. Năm 2020 được coi là năm đặc biệt thành công của Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Còn bài viết trên báo điện tử Events Magazine News nêu rõ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn lớn trên cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nhật báo Nikkei Asia (Nhật Bản) nhận định: Các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ cố gắng duy trì nền kinh tế phát triển vững chắc - điều hiếm thấy trong thời kỳ đại dịch. Báo này trích dẫn phát biểu của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính về cam kết duy trì nỗ lực chống tham nhũng: “Chính phủ sẽ chủ động phòng ngừa, kiên quyết và kiên trì đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực với những cơ chế, giải pháp mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn”.
Truyền thông Cộng hòa Czech cũng đã có loạt bài viết đánh giá cao uy tín của các lãnh đạo mới và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời kỳ vọng vào những bước phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Người Việt tại Đức lạc quan
Giáo sư Nguyễn Văn Thoại, Đại học Trier (Đức), cho rằng, trong suốt thời gian qua, chính sách đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang lại nhiều đổi thay to lớn cho đất nước, cả về đối nội và đối ngoại; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng. Đặc biệt, những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế và kiểm soát đại dịch Covid-19 đã gây được ấn tượng mạnh và được thế giới đánh giá rất cao.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Kinh tế Đức - Việt (DVIW), Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức, cho rằng, thời gian qua, chính phủ kiến tạo của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế to lớn với một loạt quyết sách quan trọng, như cho phép giảm thuế, chậm nộp thuế, giảm bớt các quy định hành chính, dỡ bỏ rào cản đối với các nhà đầu tư quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế số và luôn coi đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật là vấn đề trọng tâm...
Đề cập mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Đức nói riêng, với EU nói chung trong thời gian qua, Tiến sĩ Việt Anh khẳng định, mối quan hệ này đang ở mức độ rất tốt đẹp. Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, trong khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư song phương (EVIPA) cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong các nước ASEAN và đứng thứ 5 tại châu Á. Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 13 tỷ EUR.