Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, về vấn đề này.
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, từ năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho 6 vùng kinh tế. Trong đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vùng Đông Nam bộ đã nêu rõ: “Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường Vành đai TPHCM; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không đầu mối khu vực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Tập trung xử lý căn bản ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục nhất là tắc nghẽn giao thông, ngập úng ở TPHCM”.
Để hiện thực hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Chính phủ yêu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương vùng Đông Nam bộ chủ động phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với quy mô sâu rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và áp dụng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng để đạt hiệu quả cao nhất.
Từ năm 2021 đến nay, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương khu vực Đông Nam bộ đã lần lượt triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa, Vũng Tàu, Vành đai 3 - TPHCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành… Đây đều là các dự án có quy mô rất lớn về diện tích, vốn đầu tư nên thực tế cho thấy khó khăn nhất của các dự án này vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, quan tâm giải quyết tốt nhất quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi và chăm lo cho người dân có nơi tái định cư với điều kiện sống tốt hơn.
Các địa phương vùng Đông Nam bộ đã quán triệt bài học kinh nghiệm được đúc kết trong văn kiện đại hội lần thứ XIII Đảng và cũng là tâm nguyện của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”. Đồng thời, để triển khai công đoạn khó khăn nhất của các dự án, các tỉnh thành trong khu vực đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; nhất là vai trò đi đầu gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với người dân bị ảnh hưởng để tạo sự đồng thuận; tự nguyện bàn giao mặt bằng để dân làm theo, thì sẽ được người dân đồng tình bàn giao mặt bằng cho dự án.
Tôi đánh giá cao Báo SGGP đã triển khai thực hiện, cho đăng loạt bài “Giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm ở Đông Nam bộ: Cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Các bài viết đã nêu bật nỗ lực của cả hệ thống chính trị các địa phương trong vùng cùng vào cuộc để triển khai dự án; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở cơ sở đã đi sâu đi sát tới từng hộ dân; tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận với chính quyền bàn giao mặt bằng cho dự án dù trước mắt cuộc sống bị xáo trộn, quyền lợi có thể cũng chưa thể thỏa mãn hết nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và nhất là nêu gương của cán bộ, đảng viên tự nguyện bàn giao mặt bằng trước; vận dụng đúng chính sách nhưng theo hướng có lợi nhất cho người dân nên dự án lớn với quy mô 5.000ha như sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công theo đúng cam kết với Chính phủ.
Thực tiễn trong công tác vận động, nêu gương của cán bộ, đảng viên ở các địa phương trong vùng Đông Nam bộ cũng như các tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, dân cư, xây dựng được nêu trong loạt bài là kinh nghiệm quý để các địa phương khác có thể tham khảo, học tập để triển khai các dự án trong thời gian tới.