N trong 1
Một trong những chương trình truyền hình thực tế tạo được sự quan tâm của khán giả gần đây là Đấu trường võ nhạc. Điểm thú vị của chương trình này không chỉ là lần đầu tiên có một chương trình truyền hình về loại hình đặc thù - võ, mà nó còn cho thấy một xu hướng khá mới trong lĩnh vực gameshow khi kết hợp nhiều yếu tố với nhau.
Khán giả không chỉ xem những màn đấu võ kịch tính, mà còn được thăng hoa với sự kết hợp của âm nhạc và vũ đạo. Nhờ đó, những môn võ học cứng nhắc được trình diễn một cách công phu, uyển chuyển hơn.
Và không chỉ hướng đến tính giải trí, dù chỉ là một gameshow thiên về vận động, nhưng Đấu trường võ nhạc cũng mang đến những câu chuyện nhân văn.
Như ở tập 2, bên cạnh các đội thi bình thường, người xem bất ngờ và dành nhiều tình cảm cho đội IVS (tập hợp các chàng trai từ ngôi trường nội trú IVS dành cho học sinh cá biệt và cai nghiện game).
Đấu trường võ nhạc, chương trình mới trên sóng truyền hình
Trường nội trú IVS thuộc Viện Nghiên cứu phát triển vovinam và thể thao là ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh cá biệt và nghiện game có độ tuổi từ lớp 6 đến hết THPT.
Ngoài dạy văn hóa cho học sinh theo chương trình của Bộ GD-ĐT, IVS còn có những lớp học chuyên sâu về thể thao và nghệ thuật. Đặc biệt là lớp vovinam giúp học sinh tập thói quen vận động, tăng cường sức khỏe và sự tập trung để quên dần những trò chơi ảo.
Nhờ chuyên tâm học tập, rèn luyện võ thuật, rất nhiều học sinh đã thay đổi bản thân và tìm thấy ước mơ cho riêng mình.
Như Trưởng nhóm Nguyễn Văn Dương chia sẻ, cậu từng nghiện game đến nỗi “cày ngày cày đêm”, học hành bết bát, sức khỏe sa sút và chỉ biết đắm chìm trong thế giới ảo.
Nhưng giờ đây, sau 3 năm học tập, rèn luyện ở trường, cũng như được tham gia Đấu trường võ nhạc, cậu đã bắt đầu biết ước mơ, có định hướng rõ ràng cho tương lai. Dương tâm sự: “Trước đây bị bắt học võ thì em học thôi chứ cũng không thật sự thích lắm. Nhưng giờ được đi thi đấu, được xuất hiện trên truyền hình khiến em yêu thích những gì mình đã được học hơn. Trước, em chưa nghĩ tương lai sẽ làm gì, nhưng giờ em muốn được làm cascadeur để đóng mấy phim võ thuật hành động”.
Không chỉ Đấu trường võ nhạc, một số chương trình truyền hình thực tế khác cũng hướng đến sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhất là âm nhạc, như Khúc hát se duyên, Giai điệu chung đôi kết hợp giữa âm nhạc và hẹn hò, Hát mãi ước mơ kết hợp giữa âm nhạc và từ thiện, hay như Duyên dáng Bolero kết hợp thi hát và thi nhan sắc…
Tự làm mới mình
Sau khi hát và hài rơi vào bão hòa, các chương trình hẹn hò lên ngôi, giờ đến lượt các gameshow về ẩm thực bắt đầu chiếm sóng trên màn ảnh nhỏ, như Đấu trường ẩm thực, Cuộc chiến mỹ vị...
Ngay cả các chương trình từng tạo dấu ấn cũng tìm cách tự làm mới mình nhằm thoát khỏi sự nhàm chán. Điển hình có thể kể đến The Face, khi tung ra phiên bản The Face Vietnam Girls and Guys lần đầu tiên trên thế giới. Các chàng trai và cô gái sẽ cùng thực hiện chung các thử thách khó khăn và được dẫn dắt bởi các huấn luyện viên nữ kỳ cựu.
Với phiên bản mới này, sự chênh lệch giới tính sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện và kết quả thử thách nhóm - cá nhân, đây cũng là một bài toán “thú vị” dành cho nhà sản xuất và cả khán giả hâm mộ.
Các thí sinh nam nữ tham gia với nhiều cá tính khác nhau sẽ tạo nên những thước phim kịch tính và thú vị không chỉ ở các thử thách, mà còn ở ngôi nhà chung nơi họ sinh sống cùng nhau...
Ở mảng gameshow thuần Việt, chương trình Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa cũng đang được chờ đợi. Trong chương trình, các đội chơi phải sử dụng nhạc bolero, ca dao, tục ngữ và nhiều loại nhạc khác để rao lô tô.
Đây được xem như nét chấm phá thú vị giữa thời điểm bão hòa các ý tưởng cho truyền hình thực tế. Tuy nhiên, dù đã lên lịch phát sóng từ tháng 3, nhưng không biết vì lý do gì, đến nay Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa vẫn chưa lên sóng.