Nếu như ở các truyện có minh họa truyền thống, họa sĩ vẽ minh họa từ truyện đã có nội dung hoàn chỉnh, thì ở thể loại mới này, nhà văn và họa sĩ phải làm việc với nhau ngay từ khâu ý tưởng. Phần tranh và phần lời hòa quyện với nhau. Tranh minh họa đa dạng về cách thể hiện: ngoài các minh họa nhân vật, bối cảnh thông thường, họa sĩ có thể vẽ những khung tranh lớn thay thế hoàn toàn cho lời, những typography làm tăng hiệu ứng thị giác hay đôi lúc là những minh họa dạng tranh truyện hiện đại thay cho việc diễn giải lời thoại theo cách thông thường…
Họa sĩ Vương Thùy Linh bày tỏ, đây là lần đầu tiên cô tham gia vẽ minh họa cho một tác phẩm thuộc thể loại truyện đồ họa. Trong quá trình thực hiện, họa sĩ và nhà văn phải thường xuyên trao đổi kĩ càng, và cần có sự đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc. Cái khó của họa sĩ là minh họa các khung tranh trong phần đối thoại, làm sao để thể hiện được tốt nhất cảm xúc của nhân vật. Những câu văn mượt mà, đầy chất thơ đã truyền cảm hứng cho cô rất nhiều. Mỗi lần ngắm nhìn lại những cánh đồng cỏ lau, những bông hoa màu hồng trong gió… trong tác phẩm vẫn khiến cô bồi hồi.
Chị Hường Lý, biên tập viên sách văn học Nhà xuất bản Kim Đồng, người đã theo đuổi đề tài này trong một thời gian dài cho biết: “Với cách thể hiện mới này, lúc đầu nhóm làm việc có một chút bối rối. Chẳng hạn, làm sao nhà văn có thể sáng tác câu chuyện kết hợp từ các nhân vật và ý tưởng của những người khác, hay làm sao để họa sĩ có thể không chỉ đơn thuần là vẽ minh họa mà còn phát triển câu chuyện bằng hình ảnh… Nhưng sau những bỡ ngỡ là sự ngỡ ngàng. Bởi sự kết hợp tư duy trí tuệ của hai người đã tạo ra một thành quả có tính sáng tạo theo cấp số nhân. Vì thế các nhà văn và họa sĩ đã làm việc với sự đam mê hào hứng cao độ.”
Với việc xuất bản bộ truyện đồ họa này, Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn, bộ sách sẽ mang đến sự hứng thú cho độc giả, không chỉ các bạn đọc nhỏ tuổi mà cả các bạn đọc trẻ khi thưởng thức các tác phẩm văn chương. Hy vọng, đây sẽ là một làn gió mới cho thể loại truyện nhiều minh họa.