Khi trẻ bắt đầu nói sõi, có thể phát lại những tiếng học được ở đâu đó, thì chính cha mẹ cũng phải uốn nắn những từ nói sai, những lời không đúng, những tiếng không nên nói… Trong phần lớn các trường hợp, trẻ học nói trong gia đình gần như là “để nói được”, “để nói sõi”, chứ ít khi “để nói đúng”, từ đó gia đình ít khi thực sự tạo ra được tình yêu tiếng Việt.
Nhưng dường như việc hun đúc cho trẻ tình yêu tiếng Việt nằm ở nhà trường, bắt đầu từ mẫu giáo, cho đến tiểu học và các bậc học sau. Bên cạnh việc trẻ đi học thường ở độ tuổi đã có thể có nhận thức khá nhiều về thế giới xung quanh thì chính các phương pháp giáo dục, giao tiếp của nhà trường cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng tình yêu đó. Chính vì vậy, giáo viên là người có vai trò chủ yếu trong việc tạo ra và truyền tình yêu tiếng Việt cho trẻ, dù trẻ ở bậc mầm non hay đã là học sinh cấp 3.
Do đó, trong việc sử dụng tiếng Việt, trước hết giáo viên phải nói đúng, viết đúng. “Đúng” ở đây có tính tương đối, tức là chấp nhận ở một mức độ nhất định có những nét chưa chuẩn do đặc điểm vùng miền; chẳng hạn, ở miền Nam việc phát âm các tiếng có âm cuối c và t, n và ng, dấu hỏi và dấu ngã… cơ bản sẽ giống nhau nhưng bắt buộc phải viết đúng; ở miền Bắc phát âm những tiếng bắt đầu bằng d và gi (có khi cả r) thường không phân biệt được, nhưng bắt buộc phải viết đúng và không chấp nhận lẫn lộn giữa những tiếng bắt đầu bằng n và l, dù viết hay nói.
Đúng” còn có nghĩa là phải rõ ràng trong nói và viết, không nói đớt, nói ngọng, viết tháu, viết mất nét… Sẽ có khó khăn đôi chút nếu giáo viên ở miền này đến dạy học ở miền kia vì học sinh sẽ khó nghe rõ do khác biệt cách phát âm, điều này càng buộc giáo viên phải nói rõ ràng, dễ nghe, tức là trên lớp phải hạn chế giọng địa phương của mình để phù hợp với học sinh mà mình đang dạy.
Bên cạnh đó, giáo viên nên đầu tư cho bài giảng của mình về những nét đặc sắc của tiếng Việt. Chẳng hạn, trong Truyện Kiều có câu “Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều/Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”, diễn tả nỗi nhớ nhung của Kim Trọng, quyết tìm chỗ ở của Kiều, thì giáo viên có thể cho học sinh trung học của mình tìm những từ thay thế từ “xăm xăm”, “lần sang”, sẽ thấy cái thú vị của ngôn ngữ. Có thể là lăm lăm, lăm le, nhăm nhăm hoặc bò sang, mò sang, dò sang… thì sẽ hoàn toàn làm hỏng câu thơ, bởi nó “phá hoại” hình tượng của nhân vật. Như vậy, nét đặc sắc của tiếng Việt là chỉ có một từ dùng trong một văn cảnh nhất định để tạo ra một ý nghĩa nhất định, nếu dùng từ khác sẽ có ý nghĩa và sắc thái biểu cảm khác hẳn.
Hoặc việc tìm hiểu về các từ ghép chính phụ, các từ tượng thanh, từ tượng hình… và cách ý nghĩa cũng như cách dùng của nó cũng có tác dụng tích cực cho việc tăng vốn từ và lòng yêu tiếng Việt cho học sinh. Chẳng hạn, có thể cho học sinh tìm những từ ghép đi với “đỏ”, thì thế nào các em cũng sẽ chỉ ra nhiều từ như đỏ au, đỏ bừng, đỏ cạch, đỏ chói, đỏ chót, đỏ đọc, đỏ gay, đỏ hoe, đỏ hoét, đỏ hỏn, đỏ kè, đỏ khé, đỏ lòm, đỏ lựng, đỏ ngầu, đỏ ối, đỏ rực, đỏ thắm, đỏ ửng…; trong những này, từ nào có thể dùng cho người, từ nào chỉ dùng với vật, từ nào có ý nghĩa tích cực, từ nào có ý nghĩa tiêu cực… cần được giải thích rõ ràng cho học sinh hiểu.
Ngoài việc dùng từ, việc dùng câu, dùng các loại tu từ, các câu đặc biệt, những cách diễn đạt “ý tại ngôn ngoại”… cũng cần được giáo viên hướng dẫn để học sinh khám phá thêm nét hay nét đẹp của tiếng Việt. Ngoài ra, giáo viên cũng cần uốn nắn, chấn chỉnh những cách dùng tiếng Việt sai hoặc thiếu trong sáng, tránh để học sinh dùng quen cách không hay đó.