Sáng 1-7, Sở Công thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc Dự án Mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 – 2020 đã được nhiều tỉnh, thành; doanh nghiệp, chợ, kênh phối… tham gia hưởng ứng.
Đề án được chính thức triển khai ngày 16-12-2016 tại kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm…). Từ ngày 1–3–2017, Đề án tiếp tục triển khai tại 2 chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và 11 chợ loại 1 của Thành phố.
Đến nay, Đề án nhận đã được hồ sơ đăng ký tham gia các cơ sở tại tỉnh, thành phố là 838 siêu thị, cửa hàng tiện lợi; 2 chợ đầu mối và 23 chợ truyền thống.
Cụ thể có 1.280 cơ sở chăn nuôi từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre… 25 cơ sở giết mổ ở TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương…; 786 hệ thống phân phối hiện đại, 146 gian hàng và nhiều 52 hệ thống phân phối hiện đại ở các tỉnh Đông - Tây Nam Bộ.
Qua thời gian triển khai thử nghiệm, từ ngày 31-7, TPHCM chính thức kiểm soát nguồn gốc thịt heo; và thịt heo cung ứng cho thị trường thành phố bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc.
* Từ 1 - 7 truy xuất thịt gia cầm, trứng gia cầm
Từ những thành công của việc truy xuất thịt heo, ngày 1-7, TPHCM cũng đã công bố triển khai Kế hoạch Quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Quy trình truy xuất thịt gia cầm, trứng gia cầm được ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ mã QR code, vòng niêm phong, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý…
Đây là giải pháp cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về loại thịt, trứng gia cầm đã mua, truy xuất ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn.
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 1.749 điểm bán gia cầm, trứng gia cầm và nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia.