Trong đó, quý 1-2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng.
Tổng cục QLTT đánh giá, tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng, với phương thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã thay đổi cách thức hoạt động bằng sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán trên không gian mạng.
Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc qua tem chống hàng giả, qua mã QR là một trong những giải pháp hữu hiệu. Bởi truy xuất nguồn gốc không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng, nghiêm cấm các hành vi sao chép không hợp pháp mà còn thể hiện sự minh bạch và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm.
Còn với người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp hiểu được quy trình sản xuất sản phẩm; giúp cơ quan quản lý hiểu rõ lý lịch sản phẩm, dễ dàng truy trách nhiệm khi sản phẩm gây ra vấn đề không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.