Ngày 28-7, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố 19 bị can "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí", "Tham ô tài sản", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Che giấu tội phạm" xảy ra tại UBND TPHCM và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Trong số các bị can, ông Trần Vĩnh Tuyến và 8 người khác bị truy tố về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị can Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sagri) và Nguyễn Thị Thúy (Kế toán trưởng Sagri) bị truy tố về hành vi "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo cáo trạng, vì những động cơ khác nhau, các bị can Lê Tấn Hùng, Trần Vĩnh Tuyến và nhiều bị can khác đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật; thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án trên là tài sản nhà nước do Sagri quản lý sang Tổng Công ty Phong Phú không thẩm định giá và không đưa ra đấu giá, trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 672 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ông Trần Vĩnh Tuyến biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật (phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường…).
Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng. Tuy nhiên, ông Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 do Sagri làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú.
Việc này, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận hành vi phạm tội. Một phần nguyên nhân vì nể nang, áp lực về tình cảm, quan hệ. Do đây là lĩnh vực được phân công nên bị can không báo cáo Chủ tịch UBND thành phố và tập thể ban lãnh đạo UBND thành phố.
Từ quyết định của ông Tuyến để cho Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại Sagri tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật gây thiệt hại cho nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị can Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) và Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TPHCM) được xác định có vai trò giúp sức, đã soạn thảo và ký tờ trình tham mưu cho ông Tuyến ký quyết định.
Liên quan tới các hành vi vi phạm của các bị can, cơ quan tố tụng đề nghị cơ quan xét xử tuyên hủy văn bản công chứng đối với hợp đồng chuyển nhượng và các văn bản trái pháp luật liên quan đến việc chuyển nhượng dự án nêu trên giữa Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty cổ phần Phong Phú; yêu cầu UBND TPHCM thực hiện các thủ tục pháp lý thu hồi và giao dự án nêu trên cho Sagri quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.