Theo cáo trạng, năm 2016, Saigon Co.op được UBND TPHCM chấp thuận mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam. Sau đó, Saigon Co.op đã phát hành công văn huy động vốn vào số tài khoản một ngân hàng thương mại cổ phần để thực hiện thương vụ này.
Tài khoản của Saigon Co.op nhận được 3.000 tỷ đồng góp vốn và số tiền này có nguồn gốc từ ngân hàng giải ngân cho 6 công ty. Các công ty này gồm: Công ty Sài Gòn Vina, Công ty Bắc Mỹ An, Công ty Phước Hùng Anh, Công ty Anh Anh Minh, Công ty Đô Thị Mới và Công ty Thùy Dương Đức Bình.
Tháng 6-2016 đến tháng 3-2018, ông Diệp Dũng đã không thông qua HĐQT Saigon Co.op mà tự ý chỉ đạo thực hiện các thủ tục để ông chuyển 1.000 tỷ đồng trong 3.000 tỷ đồng nêu trên, mở rộng mạng lưới cho Công ty Đô Thị Mới (700 tỷ đồng), Công ty Đại Á (300 tỷ đồng).
Trụ sở Saigon Co.op. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Theo nội dung hợp tác đầu tư mà bị can Diệp Dũng ký với Võ Thành Trung (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô Thị Mới) và Tôn Thất Hào (Tổng Giám đốc Công ty Đại Á), Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định trên tổng số tiền hợp tác là 7%/năm…
Tháng 3-2018, Hào và Trung thông qua một số người lấy lý do 2 công ty trên sử dụng 1.000 tỷ đồng đầu tư không hiệu quả, không thu lợi nhuận để đề nghị Saigon Co.op điều chỉnh giảm lợi nhuận.
Ông Diệp Dũng đồng ý, ký thỏa thuận bổ sung, điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm kể từ ngày 19-8-2016. Việc bị can Diệp Dũng tự ý sử dụng tiền của Saigon Co.op và điều chỉnh lợi nhuận cố định như trên dẫn tới 2 công ty Đô Thị Mới và Đại Á không chuyển trả cho Saigon Co.op bất cứ khoản lợi nhuận nào, gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỷ đồng.