Sáng 3-4, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với nhiều bộ ngành chức năng và địa phương về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, do nhu cầu sử dụng cát sỏi xây dựng tăng cao, lợi nhuận từ việc khai khác cát lớn nên tình hình khai thác cát sỏi trái phép bùng phát trở lại, có nơi còn mang tính công khai, lộng hành. Thậm chí có nơi chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che cho việc khai thác cát sỏi trái phép gây bức xúc trong nhân dân.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chức năng cùng các địa phương cần nghiêm túc làm rõ các nguyên nhân, hạn chế để đề ra được những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác cát sỏi trái phép đang gây hậu quả lớn về thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông, thiệt hại hoa màu, gây mất an ninh trật tự của địa phương.
Báo cáo tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2019 tới nay, tình hình khai thác trái phép cát sỏi trên các tuyến sông và cửa biển hoạt động phức tạp trở lại, tinh vi, thậm chí có nơi công khai và lộng hành như: Hà Nội, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bến Tre, Đồng Nai.
Cùng với đó vẫn còn tình trạng, nhiều đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản lợi dụng kẽ hở của pháp luật, thiếu kiểm tra buông lỏng của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để khai thác ngoài diện tích, khai thác vượt độ sâu để tận thu, tăng khối lượng dẫn tới tình trạng sạt lở bờ sông như ở: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Kom Tum, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình.
Từ năm 2017 tới nay, lực lượng công an cả nước đã mở 2 đợt cao điểm đấu tranh xử lý về việc khai thác cát, sỏi trái phép. Qua đó phát hiện, kiểm tra 13.610 vụ với hơn 4.200 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát, an toàn giao thông đường thủy; tịch thu 142 tàu hút cát và phạt tiền trên 69 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 7 vụ/7 bị can bị khởi tố về hành vi "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".
Trong khi từ đầu năm 2019 tới nay, tại 14/20 địa phương đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng. Phạt tiền hơn 12 tỷ đồng, thu hơn 4.600 m3 cát, 73 ghe thuyền và mới chỉ có 2 vụ ở Thanh Hóa và Đồng Nai bị khởi tố.
Lý giải về việc xử lý hình sự đối với hành vi khai thác cát trái phép còn hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn thẳng thắn, các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép thường lợi dụng các kẻ hở của pháp luật để tiến hành các hoạt động khai thác như: lợi dụng giấy phép được cấp về khai thác cát sỏi để khai thác ngoài diện tích được cấp nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra lại không xử lý được hành vi vi phạm của đối tượng do không thể xác định được và cũng không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cách tính vượt 10% diện tích đối với mỏ cát sỏi dưới nước. Đối với việc khai thác ngoài giờ quy định thì lực lượng chức năng cũng chỉ nhắc nhở vì không có văn bản nào quy định đó là hành vi trái phép.
Đối với việc định lượng giá trị tang vật, hoặc giá trị thu lợi bất chính để cấu thành tội phạm vẫn còn quá cao nên khó có thể khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của tại Điều 227 Bộ luật Hình sự nêu rõ, đối tượng khai thác cát trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xác định thu lời bất chính trên 100 triệu đồng, hoặc giá trị tang vật trên 500 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt song tái phạm.
Tuy nhiên thực tế hiện nay các vụ khai thác cát trái phép bị phát hiện không đủ định lượng trong một lần vi phạm để khởi tố hình sự.