Liên quan tới việc bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, ở xóm 9, xã Sủ Ngòi, TP Hoà Bình, Hòa Bình, là bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 bệnh nhân tử vong, Tổng hội Y học Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình và Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị xem xét việc truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương.
Theo đó, Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, trước thông tin về việc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có Cáo trạng việc truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", sau khi nghiên cứu, với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, Tổng Hội Y học Việt Nam cho rằng, việc xem xét và đưa ra xét xử đối với vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là cần thiết. Tổng Hội Y học Việt Nam mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luận khẩn trương điều tra, sớm đưa ra xét xử, làm rõ trách nhiệm của các bị can và những người liên quan để xử lý theo đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Tổng Hội y học Việt Nam cũng cho rằng cần phải xem xét thêm các yếu tố khi truy tố tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bác sĩ Lương.
Lý giải về nghị này, Tổng Hội y học Việt Nam cho biết, theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì người hành nghề khi thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các hoạt động hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận và việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không phải chịu trách nhiệm về chất lượng của các trang thiết bị y tế mà trách nhiệm đối với trang thiết bị y tế thuộc về đơn vị được bệnh viện giao phụ trách về trang thiết bị y tế, vật tư y tế.
Trong khi đó, bản cáo trạng có nêu bác sĩ Hoàng Công Lương "do không kiểm tra, xác minh lại thông tin cũng như không báo cáo với Trưởng khoa mà khi thấy các chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân bảo đảm đủ điều kiện chạy thận thì bác sĩ Lương đã ra y lệnh chạy thận và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận diễn ra bình thường", Tổng Hội Y học nhận thấy, bác sĩ Lương không được đào tạo để có thể thực hiện việc kiểm tra lại thiết bị lọc nước, kiểm tra lại chất lượng nước.
Việc bác sĩ Lương được thông báo về việc Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện thông báo đã sửa chữa, bảo dưỡng xong hệ thống nước RO số 02 và có thể hoạt động bình thường được, hơn nữa chị Nguyễn Thị Hậu là điều dưỡng viên của Khoa Hồi sức tích cực – Đơn nguyên thận nhân tạo có vào ấn nút khởi động hệ thống lọc nước, quan sát thấy đồng hồ báo chỉ số an toàn nên để hệ thống tiếp tục hoạt động. Trên cơ sở đó, bác sĩ Lương đã được Trưởng khoa giao phụ trách chung và phụ trách chuyên môn của Đơn nguyên thận nhân tạo, sau khi thấy các chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân đảm bảo đủ điều kiện chạy thận thì bác sĩ Lương mới ra y lệnh chạy thận và để hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận nhân tạo diễn ra bình thường.
Từ các lý do nêu trên và kết hợp với việc bác sĩ Lương là người được đào tạo bài bản và có thân nhân tốt, Tổng Hội Y học Việt Nam đề nghị các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra xem xét kỹ lưỡng các yếu tố để bảo đảm xét xử dúng người, đúng tội, đúng pháp luật và tạo niềm tin cho các bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước yên tâm công tác để bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cũng liên quan tới việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo cáo trạng truy tố thì bác sĩ Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận nhân tạo diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.
Do vậy, bác sĩ Lương chỉ vi phạm do chủ quan không kiểm tra lại các thiết bị máy móc nên cần nhìn nhận khách quan hơn. Ông Quang cũng cho rằng, nếu bác sĩ Lương có kiểm tra, báo cáo trưởng khoa thì vụ tai biến vẫn xảy ra vì bác sĩ Lương không thể có phương tiện, năng lực kiểm tra nước đó tinh khiết đạt theo tiêu chuẩn hay chưa. Hơn nữa, bác sĩ Lương không được đào tạo làm thế nào để có thể kiểm tra chất lượng nước RO.
Trên cơ sở đó, ông Quang cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hoà Bình truy tố bác sĩ Lương với tội danh nêu trên là chưa thật sự thuyết phục với tội danh này cả về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan đặc trưng với tội danh này.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hoà Bình trên nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, sẽ cân nhắc các nguyên nhân chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể của tội danh này để có nghiên cứu làm thế nào đó để toà án có xét xử cân nhắc để định danh theo đúng tinh thần của pháp luật.
Trước đó vào sáng 29-5-2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu bất thường với các biểu hiện của nhiễm độc, sốc phản vệ. Sau đó, 8 bệnh nhân chạy thận lần lượt tử vong, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và được cứu sống.