Truy tố 67 bị can trong vụ Thuduc House

Ngày 29-3, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 67 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Thuduc House và các đơn vị liên quan. Trong nhóm bị can trên có 18 cán bộ thuế và 7 cán bộ hải quan tại TPHCM.

Các bị can bị đề nghị truy tố về các tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; sản xuất hàng giả; buôn lậu; nhận hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí…

Trong số các bị can bị truy tố có nhiều lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TPHCM như: Nguyễn Thị Bích Hạnh (Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM); Phạm Minh Tuấn (cựu Trưởng phòng Kê khai kế toán thuế); Cao Văn Tỵ (Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 5); Nguyễn Xuân Thắng (Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ); Đào Thị Nga (cán bộ Chi Cục thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (cán bộ Chi Cục thuế quận 3); Ngô Huỳnh Lũy (cán bộ Chi Cục thuế quận 5)…

Ngoài ra, trong số các bị cáo còn có cán bộ công chức thuộc hải quan của Đội Thủ tục hàng hóa nhập khẩu, Đội Giám sát kiểm soát hải quan (thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I); Chi cục kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh cùng thuộc Cục Hải quan TPHCM gồm: Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Nguyễn Lê Hùng, Lê Hoàng Hải và Bùi Hữu Trên.

Nhóm bị can gồm: Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Quan Minh Tuấn, Nguyễn Văn Lành (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)
Nhóm bị can gồm: Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Quan Minh Tuấn, Nguyễn Văn Lành (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)

Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến năm 2019, Trịnh Tiến Dũng (sinh năm 1974, được xác định là người cầm đầu, đang bị truy nã) chỉ đạo các đồng phạm thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cáo trạng thể hiện, nhóm bị can là công chức hải quan được phân công kiểm tra thực tế hàng hóa tại Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I. Thế nhưng, nhóm cán bộ hải quan đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc không phát hiện được bốn lô hàng bị phân luồng đỏ khai báo hải quan không trùng khớp với hàng hóa thực tế.

Dù vậy nhóm bị can trên vẫn cập nhật thông tin lên hệ thống để thông quan cho các lô hàng và không phát hiện được hành vi buôn lậu của Trịnh Tiến Dũng, Mạc Văn Nguyện cùng đồng phạm. Toàn bộ số hàng lậu này sau khi dễ dàng thông quan đã được tiêu thụ hết.

Bị can Mạc Văn Nguyện khai giao cho Mạc Thành Nam (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn CAD) và Lương Văn Đức làm thủ tục hải quan nhập khẩu 37 lô hàng lậu. Nguyện chỉ đạo Nam chi tiền bồi dưỡng 200.000 – 500.000 đồng một tờ khai cho cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ.

Nếu tờ khai bị kiểm tra thực tế hàng hóa, Nguyện sẽ liên hệ với cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm hóa để thống nhất thời gian. Mỗi lần kiểm tra, Nguyện đưa từ 2 triệu – 8 triệu đồng cho mỗi lô hàng cho cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm hàng tại bàn làm việc, số tiền chi tùy theo tỷ lệ kiểm tra thực tế.

Tại cơ quan điều tra, Nam cũng có lời khai về việc chung chi cho các cán bộ hải quan giống như trên. Thế nhưng, các cán bộ hải quan không thừa nhận.

Theo hồ sơ, ngoài những lời khai trên thì không có tài liệu khác chứng minh việc đưa, nhận tiền. Do vậy không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm của các công chức hải quan trong việc đưa, nhận tiền nêu trên.

Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, UAE, Singapore, thông qua các đầu mối trung gian, Dũng cho tổ chức lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Dũng chỉ đạo cấp dưới móc nối với cán bộ, lãnh đạo Thuduc House để lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài.

Thuduc House sau đó lập nhiều bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TPHCM đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 365 tỷ đồng. Cục Thuế TPHCM ban hành 17 quyết định hoàn thuế cho Thuduc House với tổng số tiền hơn 365 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM

Thời điểm đó, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh là Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM được báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế nhưng không chỉ đạo các bộ phận xác minh, không chỉ đạo trao đổi giải quyết giữa các bộ phận khi chưa có ý kiến thống nhất, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro mà cán bộ lãnh đạo cấp dưới đã trình; Không chỉ đạo kiểm tra, thanh tra kịp thời, không chờ kết luận thanh tra, kiểm tra để quyết định hoàn thuế…

Bị can Hạnh được xác định đã trực tiếp ký duyệt 15 quyết định hoàn thuế cho Thuduc House gây thất thoát số tiền hơn 331 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can Hạnh thừa nhận đã thiếu sót, không thực hiện đúng các quy định, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Đối với 17 bị cáo còn lại thuộc Cục thuế TPHCM được xác định không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế, quy trình trong việc xét duyệt, thẩm định hoàn thuế GTGT. Nhóm cán bộ này còn không đối chiếu số liệu, không báo cáo dấu hiệu bất thường trong các bộ hồ sơ, không tổ chức thanh tra để phát hiện sai phạm. Các hành vi này dẫn đến việc hoàn thuế không đúng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 365 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục