Ngày 6-1, ông Phan Trung Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết, cơ quan chức năng đã hoàn tất việc trục vớt gỗ lậu cất giấu dưới bến sông ở lòng hồ thủy điện Sê San 3A (làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, giáp ranh với huyện Ia Hdrai, Kon Tum). Khối lượng gỗ được trục vớt lần này là 8m3.
“Qua 2 lần trục vớt, đoàn chức năng đã kéo lên được 10,7m3 gỗ thuộc nhóm II đến nhóm VI. Khối lượng gỗ bắt giữ nói trên hiện chưa xác định được chủ gỗ cũng như gỗ khai thác từ Kon Tum hay các địa bàn nào về. Huyện đã giao cho công an, kiểm lâm xác minh chủ gỗ cũng như nơi khai thác gỗ”, ông Tường nhấn mạnh.
Số gỗ từ vị trí cất giấu này muốn vận chuyển đi tiêu thụ, phải đi qua con đường thủy điện theo hướng từ nhà máy thủy điện ra trung tâm xã. Trên con đường này có một chốt bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai chốt đóng. Dư luận đặt nghi ngờ việc vận chuyển gỗ vi phạm qua đây thì chốt này có biết không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai cho biết, chốt đó chỉ là nơi cán bộ của Ban nghỉ ngơi sau khi đi tuần tra chứ không phải là nơi kiểm tra lâm sản. Ban không được phép chặn phương tiện kiểm tra. Trong khi đó, ông Phan Trung Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nói: “Có thể gỗ mới tập kết chứ chưa chở đi.
Về con đường đất đỏ dẫn vào bến sông tập kết gỗ có dấu hiệu của việc nạo vét, mở rộng để thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ, ông Tường nói: “UBND huyện có văn bản giao UBND xã Ia Khai xác minh xem con đường đó ai làm, làm mục đích gì để có hướng xử lý tiếp theo”.
Theo ông Tường, những năm trước, việc vận chuyển gỗ trên đường sông Sê San tương đối phức tạp. Năm 2017, huyện triển khai nhiều giải pháp, như thành lập Ban chỉ huy cấp bách bảo vệ rừng, thành lập đoàn liên ngành, ký kết quy chế hợp tác với huyện giáp ranh là huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum.
Nhờ thế mà năm 2017 tình hình vận chuyển gỗ trên sông giảm hẳn, chỉ còn tình trạng vận chuyển lén lút với khối lượng nhỏ chứ với quy mô lớn như năm trước thì không còn nữa.
Cũng theo ông Tường, qua việc bắt giữ vụ tập kết gỗ này, huyện sẽ tăng cường mật độ, kiểm tra kỹ, rà soát chặt chẽ, không để gỗ tuồn qua địa bàn huyện.
Trong ngày 4-1, khi tiếp cận điểm cất giấu gỗ ở làng Nú mà ngành chức năng vừa bắt giữ, PV Báo SGGP vào các bến sông ở làng Tung (đoạn qua rẫy cao su) và một bến khác ở làng Nú (dưới đập thủy điện, xã Ia Khai) thì nhận thấy có biểu hiện của việc tập kết gỗ như dấu bánh xe cơ giới in hằn cũng như vỏ, bìa gỗ còn để lại.
Trước đó, như Báo SGGP đã phản ánh, vào ngày 3-1, ngành chức năng huyện Ia Grai đã phát hiện vụ cất giấu gỗ ở bến sông dưới lòng hồ thủy điện Sê San 3A nên tiến hành trục vớt. Tuy nhiên, do nước sâu nên việc trục vớt kéo dài nhiều ngày liền.