Sáng 27-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chủ trì hội nghị sơ kết giai đoạn 1 tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn TPHCM.
Báo cáo trước hội nghị, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2017 TPHCM cho biết ban đã triển khai và tổ chức rà soát danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã trong tháng 1 và tháng 2-2017.
Kết quả (có sự thống nhất giữa Cục Thuế TP, Cục Thống kê TP và Sở KH-ĐT) cho thấy tổng số doanh nghiệp thực tế tồn tại tính đến thời điểm 31-12-2016 là gần 196.500 doanh nghiệp. Trong đó, gần 160.560 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, gần 20.400 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động, gần 14.050 doanh nghiệp chờ giải thể và hơn 1.620 doanh nghiệp tìm không thấy.
Đại diện Cục Thống kê TP cũng cho biết, theo phương án, TPHCM sẽ điều tra doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (gần 160.560 doanh nghiệp) để thu thập thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016. Tuy nhiên, Cục Thống kê TP đã chủ động đưa các doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động (gần 20.400 doanh nghiệp) vào danh sách chung để điều tra thêm nhằm phản ánh đầy đủ hơn về số lượng doanh nghiệp cũng như phản ánh chính xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Ngoài ra, hiện trên địa bàn TPHCM có 115.000 doanh nghiệp có trong cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh tại thời điểm đầu năm 2017. Tuy nhiên, cơ quan thuế và cơ quan thống kê không tìm thấy các doanh nghiệp này.
Vì vậy, ban chỉ đạo đề nghị Thường trực UBND TP chấp thuận cho Cục Thống kê TP chủ trì, phối hợp với Cục Thuế TP, Sở KH- ĐT, Sở Công thương, Ban quản lý các Khu Công nghiệp - Khu chế xuất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Khu phần mềm Quang Trung và 24 quận huyện lập kế hoạch xác minh sự tồn tại của 115.000 doanh nghiệp này.
Theo ban chỉ đạo, qua 4 tháng tổ chức điều tra, tính đến hết ngày 24-7, toàn TP đã triển khai cho hơn 173.590 doanh nghiệp và thu về được gần 141.480 phiếu điều tra (đạt 81,50%). So với các năm trước, năm nay là năm đầu tiên tỷ lệ thu phiếu đạt ở mức cao trên 80% (những năm trước chỉ đạt trong khoảng từ 72% - 75%).
Đối với khối các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cho thấy có sự thay đổi lớn về số lượng. Theo Cục Thống kê TP, đến ngày 20-6, 24 quận huyện đã lập xong danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với số lượng gần 448.330 cơ sở (đạt gần 109% so với năm 2015). Theo đánh giá, số lượng hộ kinh doanh cá thể tăng cao chủ yếu phát sinh từ những hộ có nhà cho thuê.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2017, TPHCM vận động khoảng 10% (tức 20.000) hộ kinh doanh cá thể thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Con số này là dựa vào số lượng hộ kinh doanh cá thể được thống kê trước đó, khoảng hơn 200.000 hộ kinh doanh cá thể.
Trước sự thay đổi từ hơn 200.000 lên thành 448.330 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu cơ quan thống kê và cơ quan thuế cùng phối hợp với các địa phương rà soát, đối chiếu lại.
“Các hộ kinh doanh cá thể có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế của TP nên trong quản lý địa bàn, các địa phương cũng cần lưu ý, có biện pháp quản lý, nắm chắc vấn đề này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu.
Xử phạt doanh nghiệp không cung cấp thông tin
Nhằm khuyến khích động viên tinh thần đối với các Ban Chỉ đạo quận, huyện có thành tích tốt trong công tác tổng điều tra, Ban chỉ đạo Tổng điều tra TP khen thưởng đối với các quận huyện có tỷ lệ thu phiếu cao nhất.
Cụ thể, trong đợt này có 6 ban chỉ đạo của các quận 2, 6, 11, 12, quận Phú Nhuận và quận Bình Tân được khen thưởng .
Đối với các đơn vị không phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của tổng điều tra kinh tế năm 2017, Ban chỉ đạo Tổng điều tra TP cũng kiến nghị Thường trực UBND TP chỉ đạo 24 UBND quận, huyện tiến hành xử phạt theo Nghị định 95/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thống kê.