Như trường hợp của anh Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi Flappy Bird là một ví dụ, khi báo chí cùng đặt câu hỏi, Nguyễn Hà Đông có vi phạm pháp luật về thuế hay không? Bởi lẽ những trò chơi điện tử mà anh Đông tạo ra cung cấp trên các chợ ứng dụng của Google và Apple không thu tiền, không chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu đối với trò chơi điện tử của mình cho các công ty này.
Việc cung cấp các trò chơi điện tử là việc tạo ra không gian và thời gian quảng cáo trên môi trường mạng để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo sẽ thông qua nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo là Goggle và Apple đính sản phẩm quảng cáo vào trò chơi này.
Do vậy, thu nhập của anh Đông không phải từ việc cung cấp trò chơi điện tử (miễn phí) và cũng không phải là thu nhập từ hoạt động kinh doanh quảng cáo do Google và Apple thực hiện. Tuy nhiên, thu nhập của anh Đông là từ việc cho nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo sử dụng trò chơi điện tử của mình làm nơi kinh doanh quảng cáo.
Do vậy, các dịch vụ quảng cáo của 2 thương hiệu trên được thực hiện gắn liền với trò chơi điện tử. Theo đó, thu nhập của anh Đông nhận được chia theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo từ các dịch vụ gắn liền với hàng hóa là trò chơi điện tử.
Hàng hóa ở đây không phải là hàng hóa thông thường theo khái niệm Luật Thương mại, mà là hàng hóa được tạo ra sản phẩm theo Luật Công nghệ thông tin.
Từ thực tế hoạt động và xác định thu nhập nhận được của anh Đông, Tổng Cục thuế tạm thời xác định anh Đông có nghĩa vụ nộp hai loại thuế, gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, tính trên số tiền thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ có gắn hàng hóa.
Tuy vậy, hiện nay nhiều loại hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ kỹ thuật số chưa có trong quy định về quản lý thuế của cơ quan Nhà nước. Do đó, việc kiểm tra, truy thu thuế ở những loại hình này gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như trường hợp anh Nguyễn Hà Đông là đáng chú ý, khi đạt được doanh thu rất lớn từ quảng cáo game.