Tự dưng mắc nợ
Theo báo cáo của Cục Thuế TPHCM, kể từ 1-7-2014, Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực thì cơ quan thuế xác định đơn giá đất theo chính sách từng thời kỳ để quyết toán tiền thuê đất tạm thu của các công ty dịch vụ công ích quận huyện và Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.
Theo báo cáo tại thời điểm 2017, toàn TP có 435 mặt bằng phải truy thu tiền thuê đất do điều chỉnh đơn giá và quyết toán tiền thuê đất với số tiền truy thu hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, có 233 mặt bằng không kinh doanh cho thuê; 189 mặt bằng có cho thuê kinh doanh thuộc diện phải thu thuế đất, nhưng chưa thu được do các đơn vị chưa cung cấp thông tin sử dụng đất.
Vấn đề là hàng năm tiền thuê đất được các công ty dịch vụ công ích quận, huyện thu và nộp đủ, mãi đến năm 2017, đột nhiên các cơ quan thuế thông báo truy thu vì… tính lại giá thuê nên phát sinh thêm tiền chênh lệch! Trong khi đó, các công ty dịch vụ công ích cho rằng, họ không kinh doanh cho thuê đất (không thuê đất của nhà nước rồi cho doanh nghiệp thuê lại), mà chỉ được giao thay mặt nhà nước ký kết hợp đồng thuê đất với các doanh nghiệp, rồi thu tiền thuê đất nộp đủ cho nhà nước. Do vậy, cơ quan thuế điều chỉnh đơn giá hồi tố thời gian dài và truy thu tiền thuê đất làm phát sinh một khoản tiền rất lớn thì họ không có nguồn thu hay lợi nhuận từ đất để nộp.
Các doanh nghiệp thuê đất của nhà nước thì ký kết bằng hợp đồng với giá thuê từng năm tại thời điểm thuê, nay nhà nước hồi tố thu tăng lên thì không có cơ sở để yêu cầu doanh nghiệp nộp bổ sung. Mà công ty dịch vụ công ích thì không kinh doanh cho thuê đất, nên không có lời để nộp bù. Từ đó đến nay, các công ty liên tục gởi đơn kêu cứu, đề nghị miễn truy thu tiền thuê đất từ năm 2014-2018, vì đã hạch toán nộp ngân sách xong.
Từ tháng 9-2017, Cục Thuế TPHCM đã gởi văn bản đề nghị UBND TP xem xét có ý kiến miễn truy thu thuế theo đề xuất của các công ty dịch vụ công ích, nhưng đã nhiều lần, UBND TP vẫn chưa trả lời dứt điểm. Bởi trước đó, tháng 5-2017, Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Văn Khoa đã chỉ đạo đối với trường hợp cho nhà đất được giao tạm quản lý, giữ hộ, nếu có kinh doanh thì phải thực hiện thu và truy thu tiền thuế đất theo quy định. Do vậy, cơ quan thuế buộc phải tính và truy thu thuế theo quy định.
Trong khi việc này là không khả thi, vì các hợp đồng cho thuê đất đã ký kết, đã thanh toán, giờ không thể dùng văn bản hành chính để buộc doanh nghiệp bổ sung tiền ngoài hợp đồng. Thậm chí, chính hoạt động thu chi của doanh nghiệp cũng đã quyết toán xong với cơ quan thuế. Vì không thể thực hiện truy thu được, nên các cơ quan, doanh nghiệp liên tục gởi văn bản kiến nghị và cuối cùng UBND TP chỉ đạo Cục Thuế phối hợp với Sở Tài chính rà soát, tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND TP xem xét kiến nghị của các công ty về tiền thuê đất đối với các mặt bằng do các công ty dịch vụ công ích quản lý, giữ hộ cho thuê.
Đến ngày 22-4-2019, sau khi rà soát, Cục Thuế TP tiếp tục có văn bản gởi Sở Tài chính nói rõ: Theo báo cáo của các chi cục thuế quận huyện, đến cuối năm 2018, có 821 mặt bằng do công ty dịch vụ công ích quận huyện quản lý, giữ hộ còn nợ tiền thuê đất với số tiền 232 tỷ đồng (do điều chỉnh đơn giá thuê đất và quyết toán truy thu). Và nêu lại quá trình, cũng như ý kiến đề xuất của các đơn vị để đề nghị UBND TP quyết sớm, nhằm giải quyết dứt điểm có truy thu lại hay không; thời điểm miễn truy thu là thời điểm nào… Thế nhưng, đến giờ đã gần 1 năm, UBND TP vẫn chưa có quyết định chính thức.
Hiện nay, các công ty dịch vụ công ích đang lo lắng chờ đợi, nếu TP chậm giải quyết thì ngoài số tiền bị truy thu, doanh nghiệp còn bị tính tiền chậm nộp tăng lên mỗi ngày. Thực tế đã có đơn vị bị truy thu số tiền 70 tỷ đồng, nhưng bị tính tiền chậm nộp lên đến 30 tỷ đồng! Đã vậy, khi số tiền nợ giai đoạn 2014-2018 chưa được xử lý, nhưng những khoản tiền cho thuê đất năm 2019 do các công ty dịch vụ công ích nộp vào đã bị hệ thống máy của cơ quan thuế tự động cấn trừ nợ cũ. Thế là, các công ty bị xem là chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế mới, đồng nghĩa với không hoàn thành nhiệm vụ và không đạt các chỉ tiêu thi đua.