Mỗi đoàn kiểm tra sẽ có một thứ trưởng dẫn đầu sẽ tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của cơ sở kinh doanh (bao gồm công ty, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…) không thực hiện đúng quy định, nhất là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đoàn phải đến từng cây xăng để làm rõ sự thật là thiếu hay không thiếu xăng dầu, vì sao thiếu…
Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật. Chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu. Đợt giám sát sẽ giúp truy gốc rễ vấn đề, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời. Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các đoàn công tác sẽ xử lý nghiêm sai phạm.
Theo lịch, ngày 1-9 là kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu ở thị trường trong nước. Nhưng, do trùng với dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, nên việc điều chỉnh có thể lùi lại đến ngày 5-9. Trong khi một số doanh nghiệp đầu mối và kinh doanh, phân phối xăng dầu cho biết, giá xăng dầu thế giới những ngày qua tăng mạnh. Tại kỳ điều hành tới đây, giá xăng dầu bán lẻ trong nước cần tăng để đảm bảo bám sát diễn biến giá thị trường thế giới. Với xu hướng hiện tại, giá xăng dầu được dự báo có thể tăng khoảng 1.500-2.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính đề nghị điều hành giá xăng dầu ngay vào ngày 1-9, bởi nếu lui lại đến ngày 5-9 sẽ có độ trễ, chậm hơn chu kỳ thông thường, giá bán lẻ xăng dầu sẽ không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá thế giới. Điều này gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong đảm bảo nguồn, nhất là tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường.
Ngày 30-8, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công thương, để hỏi về ý kiến của Bộ Công thương cũng như liên bộ trước đề xuất của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, song không có hồi âm. Song, nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết, liên bộ Công thương - Tài chính đang họp để bàn bạc, cân nhắc trước đề xuất này. Trong tình huống giá xăng tăng, nếu điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1-9 thì doanh nghiệp có thể được lợi nhưng người tiêu dùng sẽ thiệt. Nếu điều hành vào ngày 5-9 thì ngược lại, người tiêu dùng sẽ được lợi, còn doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu bị thiệt.
Các chuyên gia cho biết, nếu tuân thủ theo đúng Nghị định số 95, kỳ điều hành xăng dầu sắp tới phải tiến hành vào ngày 5-9. Bởi nghị định này nêu rõ: “Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ”.
Mặc dù vậy, nghị định này cũng quy định: “Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp”. Do đó, các chuyên gia cho rằng, liên bộ có thể cân nhắc, báo cáo để đưa ra thời điểm điều hành giá xăng dầu hài hòa, hợp lý, đảm bảo lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá biến động hiện nay.