Vụ án sản xuất xăng giả quy mô lớn do Trịnh Sướng cầm đầu bị Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố gây rúng động dư luận nhiều ngày qua. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, nhóm đối tượng này đã lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, thực hiện hành vi pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON92 và RON95 giả, bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố với số lượng đặc biệt lớn và diễn ra trong thời gian dài, thu lợi bất chính hơn trăm tỷ đồng.
Vì sao một đường dây sản xuất hàng giả quy mô lớn, kéo dài nhiều năm lại tồn tại; trách nhiệm kiểm tra, giám sát thuộc về ai, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các sai phạm nêu trên? Trước đây, để tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21-3-2012, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT trong đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc bộ, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, Hiệp hội Gas Việt Nam và các doanh nghiệp LPG đầu mối cụ thể.
Theo đó, các đơn vị trong Bộ Công thương, bao gồm: Cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Xuất nhập khẩu, Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu và LPG, tập trung vào các quy định về điều kiện kinh doanh, hệ thống phân phối, về giá, đo lường, chất lượng; các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối của mình (từ khâu nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ). Xác định rõ trách nhiệm của mình trước pháp luật về chất lượng xăng dầu đối với các DN kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình; sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, LPG; rà soát quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ, kho tồn chứa xăng dầu, LPG.
Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi một số điều bằng Nghị định 08/2018/NĐ-CP), mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối, song thực tế, các đơn vị này vẫn tìm cách “lách luật” ký với nhiều nơi và do đó không thể kiểm soát được chất lượng, vì khó phân định xăng dầu của đầu mối nào kém chất lượng để xử lý. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các DN đầu mối cũng không được quy định rõ. Cũng theo Nghị định 83/2014, DN đầu mối chỉ được kiểm tra tổng đại lý, đại lý về thủ tục, nếu phát hiện sai phạm có thể chấm dứt hợp đồng chứ không có quyền xử phạt. Do đó, đại lý vi phạm khi bị phát hiện lại có thể ký hợp đồng với DN khác. Chính điều này khiến cho việc gian lận số lượng hoặc chất lượng xăng dầu vẫn cứ tiếp diễn.
Những tồn tại, bất cập trong quản lý và kẽ hở trong quy định về kinh doanh xăng dầu đã tạo điều kiện cho kẻ gian sản xuất xăng giả và thao túng thị trường. Theo quy định hiện hành, nếu DN buôn bán hàng hóa kém chất lượng thì chỉ bị xử phạt hành chính. Để điều tra ra đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng, lực lượng công an phải mật phục bắt quả tang mới đưa vụ án này ra ánh sáng. Cũng qua vụ án này, một lần nữa cho thấy việc buôn bán dung môi tràn lan, thiếu kiểm soát đã tạo điều kiện cho việc sản xuất hàng gian, hàng giả quy mô lớn.
Theo các chuyên gia, các xe nào đã sử dụng xăng có pha dung môi toluen, các vị trí tiếp xúc với toluen, mà không phải là kim loại, chủ yếu là các gioăng (seal/joint) bằng cao su nhân tạo, một loại hợp chất đa phân hữu cơ (organic polymer), sẽ bị mềm rồi chảy nhão ra rất sớm so với xăng bình thường, đưa đến việc là xăng sẽ bị rỉ và chảy ra ngoài. Nếu trong xăng pha này lại có thêm dung môi MTBE thì là đại họa, xe sẽ bị nổ hoặc bốc cháy dễ dàng trong lúc đang lưu thông, vì lúc đó động cơ đang rất nóng. Trong vụ án Trịnh Sướng, đến nay, cơ quan điều tra đã tiến hành tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có hơn 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 432.474 lít dung môi chưa pha, mà trong đó phần lớn là toluen và MTBE!
Dư luận cho rằng, ngoài trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, trách nhiệm quản lý của ngành công thương và khoa học công nghệ trong vụ án này rất lớn, cần phải được làm rõ và truy đến cùng, để bảo vệ môi trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân!