Sau mỗi vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng lại vào cuộc điều tra, xử lý. Nếu cháy quán karaoke sẽ tổng rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke; nếu chung cư hay cơ sở kinh doanh khác, ngành chức năng cũng sẽ làm những việc tương tự: kiểm tra, rà soát, ban hành những quy định mới hòng siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)…
Những tưởng, quá trình ấy sẽ góp phần làm giảm nguy cơ cháy nổ, làm giảm thiệt hại về sinh mạng lẫn vật chất, thế nhưng trên thực tế, nhiều vụ cháy gây chết người đến mức thảm họa vẫn xảy ra. Mới đây, ngày 1-8, vụ cháy tại quán karaoke trên phố Quan Hoa (Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh trong lúc cứu chữa vẫn chưa nguôi, thì ngày 7-9 lại xảy ra vụ cháy karaoke An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm 32 người chết, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Dư luận hiện đang đặt rất nhiều câu hỏi về công tác PCCC. Về công tác phòng cháy, qua theo dõi các vụ cháy đã xảy ra, theo các báo cáo thì đa phần đều đáp ứng các yêu cầu, được kiểm tra thường xuyên, xảy ra hậu quả là do ý thức chấp hành của người dân kém. Như vụ cháy karaoke An Phú, cơ quan chức năng cho rằng do nhiều khách hát karaoke chốt cửa trong nên lực lượng PCCC khó tiếp cận, cứu chữa. Ý thức về PCCC của doanh nghiệp, của người dân trong nhiều vụ việc còn nhiều điều để nói, nhưng ngoài ý thức, còn là chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, địa phương.
Có ý kiến cho rằng công tác PCCC ở một số địa bàn, của một số cơ quan chức năng còn sơ hở, công tác kiểm tra không thường xuyên, chưa cương quyết xử lý đến nơi đến chốn những cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, chưa đảm bảo các yêu cầu.
Số liệu thống kê trong nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thương vong về người và thiệt hại tài sản xảy ra vừa qua chỉ ra rằng, nguyên nhân gây cháy nổ do chập điện chiếm đa số. Hiện phần lớn các cơ sở kinh doanh nhà ở xen cài, nhất là karaoke, được thiết kế theo kiểu nhà hộp hay dạng nhà ống, không có ban công, mặt ngoài được quây kín bằng các biển hiệu lớn, nên khi xảy ra cháy nổ sẽ khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Về năng lực chữa cháy, hiện nay lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên cả nước đã được hiện đại hóa với trang thiết bị, dụng cụ PCCC có khả năng tiếp cận những đám cháy lớn, nguy hiểm như cháy chung cư, nhà cao tầng. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng thành lập các đội PCCC, có tập huấn, cấp chứng chỉ, thường xuyên tổ chức diễn tập… Tuy nhiên, qua các vụ cháy vừa qua, điều dễ nhận thấy nhất là kỹ năng thoát hiểm của người dân còn thiếu; phương tiện cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngày 25-6-2015, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, đã yêu cầu các địa phương phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCCC. Chú trọng công tác tuyên truyền, chủ động thực hiện phương châm PCCC “4 tại chỗ”; lấy phòng ngừa là chính, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cơ sở để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây cháy, nổ… Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, không an toàn, có nguy cơ cháy lớn và đe dọa tính mạng nhiều người, phải có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm minh… Người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo đơn vị mình. Đồng thời, tăng kiểm tra, nhất là với nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, khắc phục dứt điểm các vi phạm, sơ hở về bảo đảm an toàn PCCC; xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngoài tuân thủ nghiêm những biện pháp như Chỉ thị đã nêu, dư luận cho rằng cần phải truy đến cùng trách nhiệm cá nhân lẫn tập thể của ngành chức năng và chính quyền địa phương khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng về cháy nổ. Có như vậy mới đảm bảo an toàn PCCC, đảm bảo cuộc sống người dân được yên bình.