“Trường Sơn – Con đường huyền thoại”- Một cuốn sách cần đọc

“Trường Sơn – Con đường huyền thoại”- Một cuốn sách cần đọc

Đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn - con đường huyền thoại không chỉ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam mà cả trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Binh đoàn Trường Sơn và tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, Báo SGGP đã mở một đợt tuyên truyền dài ngày về Trường Sơn, gồm những bài viết, ghi lại hồi ức của chính “người trong cuộc” - những cựu chiến binh từ lãnh đạo binh đoàn, chỉ huy đơn vị đến những chiến sĩ bộ đội, TNXP trực tiếp khai mở và bảo vệ con đường huyền thoại; những bài phóng sự, ký sự do các phóng viên Báo SGGP trở lại Trường Sơn thực hiện. Loạt bài viết đã được đăng liên tục từ ngày 13-4 đến ngày 8-5-2009 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bạn đọc.

Dường như sức chuyển tải của các bài báo qua tờ báo là chưa đủ, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phối hợp với Báo SGGP đã tập hợp toàn bộ 25 bài viết nói trên để xuất bản thành cuốn sách mang tên “Trường Sơn - Con đường huyền thoại” và phát hành chỉ sau ngày kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn đúng tròn 2 tháng.

Mặc dù đã đọc các bài viết trên báo, lại là đồng nghiệp “người nhà” với các tác giả, nhưng khi cầm cuốn sách trên tay, vẫn thấy… là lạ. Lạ là phải đọc. Và lạ là đọc rồi, đọc lại vẫn có thể đọc một mạch đến hết. Đọc lại rồi mới thấy đó đúng là một cuốn sách. Mặc dù mỗi hồi ức hay ký sự, đều là một bài viết hoàn chỉnh, thế nhưng tất cả vẫn có sự nối kết, thống nhất. Sách có hai phần, một phần là quá khứ, một phần là hiện tại. Một quá khứ bi hùng. Một hiện tại trần trụi, xa xót… Muốn hiểu Trường Sơn quá khứ bi hùng như thế nào thì cần phải đọc để hiểu Trường Sơn hiện tại. Muốn hiểu Trường Sơn hiện tại vì sao như vậy thì phải biết những nét chấm phá của bức tranh Trường Sơn quá khứ…

Thế hệ chúng tôi trưởng thành khi chiến tranh đã chấm dứt nên chỉ biết về sự khốc liệt của chiến tranh, của chiến trường qua sách vở, phim ảnh. Chúng tôi đã từng ấn tượng về chiến tranh hơn qua “Sông Đông êm đềm”, “Số phận con người”… Vì sao vậy? Khoan hãy bàn đến việc tìm hiểu nguyên nhân là lỗi phải của ai, chỉ biết là, bây giờ, đọc lại những bài báo tập hợp thành sách này, dường như tôi hiểu hơn về Trường Sơn, về sự khốc liệt của chiến trường và thế nào là chiến tranh hủy diệt bằng không quân của Mỹ ở Việt Nam, ở Trường Sơn.

Vâng, chỉ là những bài báo thôi, nhưng làm sao có thể không thắt lòng với những cảnh “gần lúc hoàng hôn, xe chở đá xuống ngầm Kà Roòng thì bỗng có tiếng máy bay rồi sau đó bom tấn ầm ầm rơi cạnh hầm hộ tống. Dăm phút sau, chiếc xe chở anh em quay lại và nhiều người lao vào hầm hộ tống, một số anh em bị thương cho biết có người còn nằm lại dưới hầm. Tôi và vài anh em chạy xuống, thấy cô Liên bị bom văng trúng ngực, đã tắt thở. Chưa kịp cõng Liên lên thì một đợt máy bay khác đã ầm ầm lao tới…”.

Và còn đây nữa, trong một trận bom khác của giặc cũng tại Kà Roòng thuộc Quảng Bình ấy “khi tôi đi qua, khoảng 5 - 6 giờ chiều, xác các chiến sĩ chất chồng, đầu, chân, tay cháy sém trộn lẫn với đất đá, bên cạnh cây gãy ngổn ngang (Kà Roòng - Không thể nào quên của Hồ Bá Thâm). Như chính tác giả bài báo - một người lính trong cuộc - đã viết: Thật là một cuộc thảm sát đẫm máu, đau thương ngút trời!

25 bài viết là 25 “điểm nhấn” để bạn đọc hình dung Trường Sơn quá khứ và hiện tại. Ở đấy, có những câu chuyện thật sống động mà ám ảnh khôn nguôi “Mưa liên miên. Có ngày cả đơn vị phải dầm mưa, lội suối từ sáng tới tối. Không có chỗ khô ráo để đặt ba lô nghỉ lưng mà ăn cơn, cả đơn vị phải chống gậy ăn đứng, nước mưa chan nước mắt. Tôi nhớ sau cái ngày dầm mưa lội suối ấy, đến trạm nghỉ, Hùng, quê Yên Thành, Nghệ An, chiến sĩ cùng trung đội với tôi đã vĩnh viễn nằm lại ở núi rừng Trường Sơn sau một cơn sốt rét ác tính và suy kiệt…” (Núi rừng ở lại - Nguyễn Đức)…

Với những người chưa bao giờ đến Trường Sơn, nhất là thế hệ trẻ, qua những bài viết, hẳn họ sẽ thấy rõ hơn giá trị của một thời bom đạn ác liệt, gian khổ mà thế hệ cha anh đã gồng mình gánh chịu, kiên cường chiến đấu để làm nên một Trường Sơn huyền thoại.

Với những người đã một thời sống và chiến đấu ở Trường Sơn, cũng cần đọc những bài viết trong cuốn sách này. Bởi không phải ai cũng có dịp trở lại Trường Sơn của lính – “Trường Sơn của những tuyến đường mà mình đã đi qua, những địa điểm mà mình đã sống và chiến đấu bằng những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời” (Nguyễn Đức – Núi rừng ở lại). Vậy nên, sau khi đọc, họ sẽ hình dung rõ hơn Trường Sơn còn lại gì qua nửa thế kỷ tồn tại và sau hơn 30 năm hòa bình.

Ngay cả những người có trách nhiệm, khi đọc những bài viết trong tập sách cũng thấy rõ hơn Trường Sơn hôm nay đang cần gì để sau những lễ hội, mít tinh, kỷ niệm trọng thể trên khắp cả nước khi nhớ đến và tri ân với Trường Sơn không phải giật mình thảng thốt: “Lẽ nào, chỉ có thế thôi sao?”

Có lẽ, cuốn sách cần đọc là vì vậy.

Tuy nhiên, cuốn sách cũng chỉ là tập hợp những bài báo nên không thể tránh khỏi những hạn chế do khuôn khổ một bài báo quy định. Hơn nữa, là những bài báo, cần đáp ứng tính thời sự, không thể thỏa mãn thông tin cho bạn đọc trên một quãng đường dài, diện tích lớn trong thời gian thực hiện quá ngắn.

Dẫu may mắn trong đoàn có một cựu chiến binh với vai trò trưởng đoàn dẫn dắt, song một số bài viết cũng chưa thể phác họa hết những đổi mới, điểm nhấn lịch sử trên con đường này.

Mặc dù vậy, với tất cả những gì đã thể hiện, cuốn sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phối hợp Báo SGGP xuất bản đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác cũng là một cuốn sách nên đọc, cần đọc. Đọc để suy ngẫm, để nhớ và góp một chút gì cho Trường Sơn…

LAN ANH 

Tin cùng chuyên mục