Trường Sa - nguồn cảm hứng lớn cho nghệ sĩ sáng tác

Có lẽ, với bất cứ người viết nào, nhất là những tác giả trẻ, được đến với Trường Sa là một may mắn. Bởi đó sẽ là nguồn cảm hứng đầy ý nghĩa cho những trang viết mà không phải ai cũng có được.

1. “Trước khi đi Trường Sa, tôi có hứa trong lòng là sẽ viết nhiều bài về chuyến đi này. Không ngờ là từ năm 2018 cho tới bây giờ, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc để viết thêm những bài liên quan đến biển, đảo”. Nhà báo Nguyễn Thắm (hiện công tác tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tại TPHCM) mở đầu câu chuyện như vậy khi nhắc về chuyến đi Trường Sa của mình cách đây hơn 6 năm.

Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thắm, chị đến Trường Sa vào tháng 4-2018, là một trong những thành viên của Quỹ học bổng Vừ A Dính năm đó. “Tôi mong muốn được đi Trường Sa từ rất lâu, một phần vì ảnh hưởng bởi những chia sẻ của cô Trương Mỹ Hoa và rất tò mò không biết ở đó như thế nào. Ngoài ra, là phóng viên viết mảng giáo dục, tôi nghĩ, mình cũng phải có gì đó để gửi đến các em học sinh. Ở đất liền, tôi đã viết nhiều rồi, đi Trường Sa là cơ hội làm mới đề tài, làm mới những trang báo của mình”, nhà báo Nguyễn Thắm chia sẻ.

CN3 tieu diem.jpg
Nhà báo Nguyễn Thắm bên các em nhỏ tại đảo Trường Sa Lớn

Trong 10 ngày đến với Trường Sa cùng đoàn công tác, chị lần lượt đến thăm các đảo, điểm đảo: Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Lớn B, Phan Vinh, Trường Sa Lớn, Nhà giàn. Chuyến đi ấy, ngoài hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên, chị còn ấp ủ đề tài về Trường Sa cho những cuốn sách, mà bộ sách tranh Em yêu biển đảo, biên cương là một trong số đó.

Bộ sách tranh Em yêu biển đảo, biên cương được Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ấn hành vào tháng 3 năm nay, mang đến những câu chuyện nhỏ chuyển tải thông điệp biển đảo, biên cương, chủ quyền biển đảo…, gần gũi để các em dễ tiếp cận chủ đề này. Bộ sách gồm 6 cuốn: Em là hải quân nhí, Chú bộ đội tí teo, Cây bàng vuông của bé, Heo đất đi Trường Sa, Cô giáo ở đảo Lý SơnQuê em ở Trường Sa. Ngoài Nguyễn Thắm, bộ sách còn có sự tham gia của 2 tác giả Phùng Hạo và Uyên Đào.

Sau khi bộ sách được xuất bản, nhà báo Nguyễn Thắm liên tục có những chương trình giao lưu với các em nhỏ ở TPHCM cũng như một số tỉnh lân cận, để cùng lan tỏa tình yêu biển đảo đến các em.

“Mới đầu, khi làm bộ sách này, tôi chỉ dừng lại ở mong muốn cho các bé biết hơn về biển đảo thông qua sách tranh một cách sinh động, dễ hiểu và gần gũi. Nhưng khi đi giao lưu rồi, tôi mới nhận ra là nó có thể làm nhiều điều hơn. Các em biết được từ đời thực nơi biên cương, biển đảo bước vào trang sách như thế nào, các em đã hình dung ra mình có thể làm những việc nhỏ theo sức của mình như nuôi heo đất góp quỹ giúp bạn, vẽ tranh, múa hát về chủ đề biển đảo để đóng góp cho quê hương, đất nước mình”, nhà báo Nguyễn Thắm bày tỏ.

2. Với nhà văn Bùi Tiểu Quyên (hiện công tác tại Báo Phụ nữ TPHCM), hành trình đến với Trường Sa vào tháng 4-2019, ngoài nhiệm vụ của một phóng viên còn là cuộc khám phá chính bản thân mình. Bởi lẽ, đi Trường Sa cần có yêu cầu cao về sức khỏe, mà trong mắt nhiều người, Tiểu Quyên lại rất mong manh, đúng kiểu “liễu yếu đào tơ”. Nhưng rồi, chị đã vượt qua giới hạn đó của bản thân để cùng đoàn công tác lần lượt đặt chân đến các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1/21.

Thêm một cuộc khám phá nữa từ chuyến đi Trường Sa của Bùi Tiểu Quyên, ấy là chị hoàn toàn có thể viết cho thiếu nhi, thậm chí là viết hay. Từng nhận giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM cho tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông vào năm 2014 và là tác giả của nhiều đầu sách dành cho người lớn. Rất bất ngờ, vào tháng 7-2021, sau 2 năm trở về từ Trường Sa, Bùi Tiểu Quyên ra mắt truyện dài đầu tiên dành cho thiếu nhi: Cà Nóng chu du Trường Sa (NXB Kim Đồng), vừa được tái bản tháng 3 vừa qua.

CN1b.jpg
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên chơi đùa cùng các em nhỏ tại đảo Sinh Tồn

Đây có thể xem là món quà đầy ngọt ngào cho không chỉ tác giả mà cả với bạn đọc. Ngoài nhiều lần được tái bản, Cà Nóng chu du Trường Sa còn liên tiếp được vinh danh ở những giải thưởng uy tín như: giải Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TPHCM năm 2021, giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm 2021, giải C Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

“Vạn sự khởi đầu nan”, sau Cà Nóng chu du Trường Sa, nhà văn Bùi Tiểu Quyên tiếp tục trở lại với đề tài Trường Sa bằng bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình (Lionbooks và NXB Hà Nội), và chuyên tâm theo đuổi văn học dành cho thiếu nhi. Trong khi tập 1 của truyện dài Hùm Xám qua sông đã được NXB Kim Đồng ấn hành, chị cũng đã hoàn thành tập 2 và dự kiến xuất bản vào cuối năm nay.

Theo nhà văn Bùi Tiểu Quyên, Trường Sa nói riêng và biển đảo của Việt Nam nói chung đã và sẽ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho người cầm bút. “Với riêng tôi, nếu không có cơ hội đi Trường Sa, tôi sẽ không thể nào viết được truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa cũng như bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình. Nhà văn có thể hư cấu, tưởng tượng ra rất nhiều bối cảnh, nhưng với Trường Sa, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết chỉ bằng trí tưởng tượng hoặc qua tìm hiểu thông tin, tư liệu trên báo đài”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục