1. Cách đây đúng 35 năm, trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây là trận đánh mở màn ác liệt, có ý nghĩa quyết định các trận đánh tiếp theo, giải phóng quần đảo Trường Sa.
Đêm ngày 10-4-1975, từ bến cảng Sơn Trà (Đà Nẵng), đoàn tàu đánh cá gồm 3 chiếc nhổ neo ra khơi. Tàu không lớn, mang cờ hiệu nước ngoài, trên mặt boong chỉ lác đác vài người đi lại như những thủy thủ đánh cá. Đó là các tàu 673, 674, 675 của Đoàn vận tải 125 Hải quân, những con tàu không số đã nổi tiếng với đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong bụng những con tàu đó chứa gần 300 chiến sĩ Đội 1, Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng tấn đạn dược.
Đúng 5 giờ 15 ngày 14-4-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền tung bay trên đảo Song Tử Tây, mở đầu cho những chiến thắng trên quần đảo ở nghìn trùng khơi này. Đến 2 giờ 30 ngày 25-4-1975, lực lượng của ta giải phóng đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 ngày 27-4-1975, ta làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ ngày 28-4-1975 giải phóng đảo Sinh Tồn. Đến 9 giờ ngày 29-4-1975, đảo Trường Sa hoàn toàn giải phóng.
2. Bây giờ, đến với Trường Sa, người từ đất liền không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sóng điện thoại phủ khắp… Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là hàng trụ điện quạt gió xung quanh đảo; trên các mái nhà là vô số những tấm pin thu năng lượng mặt trời; cạnh nhà chỉ huy đảo là những cột ăng ten thu sóng điện thoại, sóng truyền hình. Các công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh ngày càng nhiều như sân bay, âu tàu, cầu cảng, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện gió…
Đến với Trường Sa hôm nay, người ta không chỉ nói đến các công trình dân sinh, sự hỗ trợ của đất liền với các chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió mà còn là phát triển kinh tế biển. Chuẩn Đô đốc Trần Quang Khuê, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không tổ chức xuất khẩu hải sản ngay trên đảo. Chúng ta có đủ điều kiện cơ sở vật chất, khả năng để thực hiện một nhà máy chế biến hải sản. Các tàu nước ngoài khi vào đảo nhận hàng, phải tuân thủ mọi thủ tục nhập cảnh vào nước ta cũng như vào đất liền, vì quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Ông nói thêm: Riêng Quân chủng Hải quân có thể phối hợp với ngành hải sản, vừa làm công tác quốc phòng kết hợp làm kinh tế. Chúng tôi sẽ nuôi trồng thủy sản các loại trong lồng hồ, đảm bảo dịch vụ nghề cá cũng như cung cấp vật tư, nhu yếu phẩm cho ngư dân.
Điện nước ngọt, rau xanh, thông tin viễn thông, phát triển kinh tế biển ở Trường Sa… là rất cần thiết để cán bộ chiến sĩ và người dân trên các đảo ở Trường Sa cảm thấy gần hơn với đất liền. Và thực tế Trường Sa nay đã rất gần...
Nhóm PV