Vào thời điểm năm 1997, đó là việc làm táo bạo. Nhưng với quyết tâm cao, ý định của nhạc sĩ Lê Thanh Xuân đã trở thành hiện thực và Trung tâm Âm nhạc Sen Hồng ra đời vào mùa hè năm 1997 tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 11, TPHCM.
Chọn đúng hướng, Sen Hồng không ngừng phát triển, cả về số lượng học viên và chất lượng đào tạo, trở thành một trường âm nhạc bề thế mà không có trung tâm âm nhạc cấp quận nào sánh được. Đây như là một nhạc viện thu nhỏ, với các lớp nhạc: piano, violon, guitar, thanh nhạc, organ, các nhạc cụ bộ gõ, các nhạc cụ dân tộc, sáng tác, và có cả một số môn kiến thức âm nhạc.
Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, đến Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 11, mọi người đều thấy hàng trăm học viên lớn, nhỏ, sáng tối vui tươi tập luyện dưới sự chỉ dẫn của các thạc sĩ và nhạc sĩ tốt nghiệp Nhạc Viện TPHCM. Sen Hồng không chỉ dạy nhạc, dạy hát mà còn tham gia nhiều chương trình hợp xướng của TPHCM, nhiều chương trình liên hoan văn nghệ của quận 11. Dàn nhạc giao hưởng trên organ, từ mô hình thể nghiệm đã phát huy hiệu quả rõ rệt, với các buổi biểu diễn khí nhạc và hợp xướng và ca nhạc nhẹ với phong cách chuyên nghiệp. Các thế hệ học viên ở Trường nhạc Sen Hồng đã có những chương trình biểu diễn tại Nhà hát thành phố, Nhạc Viện TPHCM và một số trung tâm văn hóa quận, huyện, tỉnh, thành khác.
Trong các chương trình biểu diễn, nhạc sĩ Lê Thanh Xuân còn mời nhiều nghệ sĩ Học viện Quốc gia Âm nhạc, Nhạc Viện TPHCM và các nghệ sĩ âm nhạc quốc tế từ Na Uy, Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Anh… đến Sen Hồng biểu diễn giao lưu, giảng dạy chuyên sâu cho các học viên. Thành tích đạt được từ đó đến nay là những phần thưởng của Bộ VH-TT-DL, UBND TPHCM, Thành đoàn TPHCM, quận 11... Nhạc sĩ Lê Thanh Xuân còn được mời biểu diễn những nhạc phẩm do anh sáng tác, đem âm nhạc Việt Nam ra thế giới, diễn tấu tại Concervatorie de Rouen - Pháp, biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Nam Ninh Trung Quốc. Ông cũng tham gia nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc cùng với các nghệ sĩ tên tuổi: Nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường, nghệ sĩ Cello Nguyễn Chánh, nghệ sĩ piano Đặng Mai Khuê, nhạc sĩ Đỗ Tuấn…
Thế nhưng, khi dịch Covid-19 bùng phát, các em học viên không thể đến trường học nhạc được, trường phải tạm dừng hoạt động, sân Nhà văn hóa Thiếu nhi quận 11 không còn tiếng nhạc ngân vang. Trăn trở nhiều tháng, nhạc sĩ Lê Thanh Xuân quyết định không đầu hàng Covid-19. “Các lớp học phải được duy trì qua hình thức dạy - học trực tuyến”, nhạc sĩ Lê Thanh Xuân cho biết. Ông đã mày mò, tìm hiểu các công cụ, phần mềm hỗ trợ để có thể tổ chức dạy nhạc trực tuyến một cách tốt nhất.
Với sự phát triển của công nghệ, việc dạy học trực tuyến ngày càng được nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo ứng dụng. Tuy nhiên, để có thể áp dụng hiệu quả hình thức này cho các lớp nhạc thì không dễ dàng. Phần mềm dạy học trực tuyến giờ có nhiều, nhưng vì là dạy nhạc, âm thanh vô cùng quan trọng, nên hàng loạt câu hỏi, vấn đề liên quan đã đến với nhạc sĩ Lê Thanh Xuân: xây dựng chương trình và kịch bản sư phạm trực tuyến như thế nào; chọn trọng điểm để quay video ra sao; thời lượng của chương trình dạy và học bao lâu là phù hợp; liên kết, trao đổi giữa người dạy và người học thế nào để không bị ngắt quãng; các yêu cầu về kỹ thuật, thiết bị, đường truyền ra sao?...
Sau một thời gian thử nghiệm, nhạc sĩ Lê Thanh Xuân đã xây dựng được chương trình, kịch bản sư phạm dạy trực tuyến cho Sen Hồng. Và thế là, từ giữa tháng 6 này, “Trường nhạc Sen Hồng online” được khởi động. Các lớp học: Piano, Organ, Violon, Guitar, Ukulele, trống Jazz, Electone, thanh nhạc, kiến thức âm nhạc, đều được tổ chức trực tuyến, qua meet.google.com. Học viên chỉ cần truy cập đường link, đăng nhập và thế là ngồi ở nhà bước vào buổi học nhạc sinh động như đang ngồi ở lớp học.
Có thể thấy, việc tổ chức dạy học âm nhạc qua hình thức trực tuyến, tiếp tục là một bước đi sáng tạo của Trường nhạc Sen Hồng; không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu học âm nhạc của các em học sinh mà qua đó các em có được những ngày hè ở nhà thật sự thú vị trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Nhạc sĩ Lê Thanh Xuân còn sáng tác nhiều tác phẩm, trong đó nổi bật là tập tác phẩm Dân vũ Việt Nam, với hơn 100 tác phẩm cho piano, 4 giao hưởng thơ về tình yêu quê hương, đất nước; 15 vở perette cho thiếu nhi, như vở: Thế giới tuổi thơ, Trống trận cờ lau, Âm vang trống đồng, Làng tranh Đông Hồ…; hơn 10 hợp xướng cho thiếu nhi như: Khung trời tuổi thơ, Thành phố Phương Nam, Tuổi thơ thành phố Bác Hồ, Em hát dân ca… |