Trường nghề tuyển sinh năm 2024: Nỗ lực thu hút người học

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với nhiều trường phổ thông triển khai công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Đến hiện tại, một số trường nghề đạt kết quả tích cực khi tỷ lệ hồ sơ xét tuyển tăng cao, nhưng cũng không ít trường tiếp tục “gồng mình” tìm giải pháp thu hút người học.

Tăng tốc tuyển sinh

Th.S Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho biết, sau khi TPHCM mở cổng đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập (từ ngày 3-5 đến ngày 8-5), nhà trường tiếp nhận hàng trăm hồ sơ đăng ký học hệ trung cấp. Tính đến hết ngày 10-6, trường đã tuyển sinh được 470/900 hồ sơ học hệ 9+ (vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên vừa học trung cấp nghề).

“Trong số hơn 50% chỉ tiêu nhập học hệ trung cấp, có 80% học sinh đăng ký học chương trình văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên song song học nghề, 20% học sinh đăng ký chỉ học trung cấp và học văn hóa để lấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT do trường nghề cấp”, Th.S Phan Thị Lệ Thu cho biết.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, cho hay, năm 2024, nhà trường tuyển 1.800 chỉ tiêu (1.000 chỉ tiêu hệ trung cấp, 800 chỉ tiêu hệ cao đẳng), thực hiện trong 3 đợt. Đặc biệt, trong năm học này, nhà trường đã ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet đào tạo kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay mức A, thời gian đào tạo 2,5 năm.

Học viên sẽ được học các kiến thức kỹ thuật cơ bản tại trường và các kiến thức chuyên ngành hàng không tại Vietjet; được ưu tiên tuyển dụng làm việc tại các trung tâm bảo dưỡng của Vietjet ở Việt Nam hoặc ở Lào. Theo PGS-TS Bùi Văn Hưng, tính đến hết ngày 10-6, trường đã nhận gần 600 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Với kết quả này, nhà trường dự kiến khai giảng vào giữa tháng 7 và tiếp tục tuyển sinh đến hết tháng 9.

N4c.jpg
Phụ huynh, học sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

Qua ghi nhận, hiện nhiều trường nghề đang tăng tốc tuyển sinh cho năm học 2024-2025 với chỉ tiêu khá cao. Cụ thể, Trường Cao đẳng Nghề TPHCM hiện đã tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ đăng ký nhập học trung cấp, cao đẳng trong tổng số 1.810 chỉ tiêu; Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM đã tiếp nhận 2.000 hồ sơ xét tuyển cao đẳng; Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức tiếp nhận 1.500 hồ sơ… Là trường có chỉ tiêu tuyển sinh thuộc tốp đầu thành phố với 7.600 chỉ tiêu, hiện Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng đã tiếp nhận 3.000 hồ sơ xét tuyển trung cấp và cao đẳng.

TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi khá bất ngờ vì trong giai đoạn đầu tuyển sinh những năm trước, số lượng đăng ký chỉ đạt khoảng 30%, nhưng năm nay tỷ lệ này tăng khoảng 10%. Càng bất ngờ hơn khi có tới 60% hồ sơ có điểm học bạ năm lớp 9 năm học 2023-2024 và học bạ lớp 12 năm học 2022-2023 ở mức khá, giỏi”.

Tập trung đào tạo lại, đào tạo thường xuyên

Ngược với các trường nói trên, nhiều trường cao đẳng, trung cấp khác có tỷ lệ tuyển sinh thấp. Th.S Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, lo âu khi công tác tuyển sinh của nhà trường tiếp tục gặp khó.

“Năm 2024, trường đẩy mạnh tuyển sinh 3 nghề trọng điểm quốc gia, mỗi nghề tuyển 50 chỉ tiêu, gồm: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí (trọng điểm quốc tế), Cơ điện tử (trọng điểm ASEAN) và Cơ khí chính xác - cắt gọt kim loại (trọng điểm ASEAN). Với những nghề này, chương trình đào tạo nghề được tham khảo từ các nước phát triển, đội ngũ chuyên môn các khoa được đi tập huấn quốc tế… Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 120 hồ sơ đăng ký xét tuyển/1.200 chỉ tiêu và 60 hồ sơ học sinh đăng ký nhập học, tỷ lệ thấp hơn năm 2023 khoảng 30%”, Th.S Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết.

Tương tự, các Trường Trung cấp Tây Nam Á, Trung cấp Lê Thị Riêng, Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á, Trung cấp Tây Bắc, Trung cấp Mai Linh, Cao đẳng Hàng hải II, Cao đẳng Kiến trúc - Xây dựng TPHCM, Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm (phân hiệu TPHCM)… cũng gặp khó khăn khi công tác tuyển sinh èo uột, có nhiều ngành học không có hồ sơ đăng ký xét tuyển, như Điều dưỡng, Bếp, Công nghệ kỹ thuật may…

Theo TS Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH), năm 2024, tổng cục đề ra mục tiêu đào tạo trên 2,4 triệu lao động có bằng cấp, chứng chỉ nghề cho 1.880 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước. Trong đó, tập trung vào các ngành nghề mới, kỹ năng mới như: Trí tuệ nhân tạo, Chip bán dẫn, Chuyển đổi năng lượng, Tín chỉ carbon, Năng lượng hydrogen, Logistics, Đường sắt cao tốc… để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tình hình mới. Cùng với đó, các trường nghề được tạo điều kiện để tuyển sinh quanh năm. Vì vậy, các trường nghề, nhất là trường trung cấp, cần tiếp tục tìm giải pháp thu hút người học nghề; quan tâm đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo hệ thường xuyên.

“Công tác tuyển sinh của trường nghề năm nào cũng gặp khó khăn do tâm lý của một bộ phận không nhỏ phụ huynh vẫn còn “trọng thầy hơn trọng thợ”, trong khi lực lượng đang làm việc trong nền kinh tế chưa được đào tạo còn rất nhiều, rất lớn. Do vậy, nhu cầu giữa đào tạo mới và đào tạo lại theo hình thức tuyển mới từ lực lượng chuẩn bị bước vào thị trường lao động sẽ không tăng nhiều. Các trường cần tập trung vào công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên vừa để chuẩn hóa, vừa nâng cao trình độ kỹ năng để người lao động thích ứng được công việc… Làm tốt việc này, trường nghề sẽ cơ bản thoát cảnh khó khăn trong công tác tuyển sinh”, TS Đào Trọng Độ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục