Èo uột
10 giờ ngày 17-8, khuôn viên Trường Cao đẳng Đại Việt (số 12 Hoàng Minh Giám, phường 9, Phú Nhuận, TPHCM) lác đác vài ba phụ huynh, học sinh đến mua hồ sơ xét tuyển được cán bộ tuyển sinh tư vấn chu đáo, nhiệt tình. Kết thúc ngày làm việc, trường không tuyển được thí sinh nào. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng nhà trường ngao ngán cho biết, năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phân bổ cho trường gần 2.000 chỉ tiêu của hai bậc trung cấp và cao đẳng, nhưng đến thời điểm hiện tại, trường chưa nhận được hồ sơ nào.
Hỏi giải pháp gì để cải thiện tình trạng trên, TS Lê Lâm cười buồn: “Chúng tôi đã làm hết cách, từ xuống tận trường THCS, THPT tư vấn hướng nghiệp, đưa phụ huynh, học sinh tới tham quan trường và xuống tận doanh nghiệp để “mục sở thị” về nhu cầu tuyển dụng, ngay khi các em tốt nghiệp ra trường, đến xét tuyển trực tuyến qua các kênh: Website, Facebook, Zalo… giờ thì đành ngồi chờ!”.
Thống kê từ nhiều trường nghề trên địa bàn TPHCM cho thấy, đến thời điểm này, rất hiếm trường tuyển được 30% chỉ tiêu. Nhiều trường số học sinh tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí là chưa tuyển được học sinh. Đã quá giữa tháng 8 nhưng Trường Trung cấp quốc tế Sài Gòn mới tuyển được 250/1.000 chỉ tiêu. Các ngành dược, y sĩ, văn thư - lưu trữ… có học sinh đăng ký, nhưng hiện chưa đủ số lượng để mở lớp. Khá hơn, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cũng chỉ tuyển được 420/1.250 chỉ tiêu.
Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TPHCM (gồm 26 trường trung cấp và 8 trường cao đẳng) tuyển sinh cũng èo uột không kém. Nhiều trường trong khối, mới tuyển được trên dưới 20% chỉ tiêu. Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, Chủ tịch khối, chia sẻ, chưa năm nào tình hình tuyển sinh lại khó khăn như năm nay. Mặc dù đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm tuyển sinh, nhưng hồ sơ nộp vào các trường quá ít, tiến độ tuyển sinh chậm hơn hẳn so với mọi năm.
Một số trường nghề có “thương hiệu” tại TPHCM cũng gặp không ít khó khăn. TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TPHCM) cho biết, hệ trung cấp nhà trường tuyển sinh rất khả quan, nhưng hệ cao đẳng mới đạt khoảng 14% (3.500 chỉ tiêu). Một số ngành như: Cắt gọt kim loại, Điện tử công nghiệp chưa tuyển được sinh viên. Trường Cao đẳng Nghề TPHCM năm nay được giao chỉ tiêu chung cho cả cao đẳng và trung cấp là 1.775 em (tăng 10% so với năm 2019) của 14 nghề đào tạo, tuy nhiên một số ngành đào tạo truyền thống hiện cũng chưa tuyển sinh được.
Vừa thừa vừa thiếu
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020, có 51.712 thí sinh tự do (chiếm 5,74%); chỉ có 643.122 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng, chiếm 71,45% (giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019). Tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH tăng thêm 10% so với năm 2019, khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Như vậy, chỉ tính riêng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay trên cả nước không đăng ký xét tuyển vào ĐH và cao đẳng trên 150.000 thí sinh. Riêng tại TPHCM, thống kê của ngành GD-ĐT, năm học 2020-2021 có hơn 20.000 học sinh lớp 9 không thi vào THPT. Số học sinh rớt tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - con số cũng không hề nhỏ. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu khối giáo dục nghề nghiệp của thành phố dao động hàng năm trên 55.000 chỉ tiêu.
Theo các chuyên gia đào tạo nghề và hiệu trưởng các trường nghề trên địa bàn thành phố, hệ trung cấp một số trường tuyển được là đối tượng học sinh lớp 9 không thi vào THPT và một số thí sinh tự do. Đáng lo nhất là hệ cao đẳng, TS Phạm Hữu Lộc phân tích, sở dĩ xảy ra tình trạng “đói” học sinh do một phần nguyên nhân có sự thay đổi trong quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kéo theo những hệ lụy trong công tác tuyển sinh cho hệ thống trường nghề. Trước hết, việc Bộ GD-ĐT chốt năm nay chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH được xét tuyển học bạ đồng nghĩa thí sinh trúng tuyển vào ĐH dễ dàng hơn bao giờ hết. “Thời gian xét tuyển ĐH dự kiến kéo dài hết năm 2020 cũng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường nghề, nhất là khi không ít thí sinh có tâm lý trượt ĐH mới nghĩ đến trường nghề. Trong khi số thí sinh chọn trường nghề ngay từ đầu chiếm tỷ lệ không nhiều” - TS Lộc nói.
Còn theo lý giải của ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, các trường ĐH được phân bổ chỉ tiêu, mở mã ngành nhiều hơn. Trong khi đó, rõ ràng xét về bằng cấp, tâm lý “trọng thầy hơn thợ” của không ít phụ huynh, học sinh, rõ ràng các trường nghề càng bất lợi. Ngoài ra, vấn đề chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất của nhiều trường nghề vẫn chưa đủ tin tưởng để cho học sinh nộp hồ sơ vào học.
Đứng ở góc độ nhu cầu nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Giám đốc Chương trình dự báo nhân lực (Viện Nghiên cứu Đào tạo kinh tế quốc tế) cho rằng, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ trung cấp của các doanh nghiệp rất lớn. Trong giai đoạn 2019-2025, mỗi năm TPHCM cần 300.000 chỗ làm việc, trong đó trình độ trung cấp chiếm cao nhất với 28%, trong khi ĐH chỉ chiếm 18%, nên tỷ lệ sinh viên hệ giáo dục nghề nghiệp có việc làm sau khi ra trường cũng rất cao, gần 90%. Trong khi thị trường lao động cần tới 28% lao động có trình độ trung cấp thì mới có 6% tham gia thị trường lao động; ở trình độ ĐH, cần 15%-18% nhưng lực lượng tham gia trên thị trường lại lên đến 25%-28%. Rõ ràng, thị trường lao động đang có tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Cứ 10 người bước vào thị trường lao động thì 6 người có trình độ ĐH, 2 người cao đẳng, 1 người trung cấp, 1 người sơ cấp nghề. Số liệu này cho thấy, sự thiếu hụt nhân lực trình độ trung cấp.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn, nhưng đến hiện tại có những trường không tuyển sinh được. Lỗi không phải do người học mà chính tự thân các trường nghề phải tạo được sự tin tưởng của xã hội, phụ huynh và học sinh. Công tác đào tạo nghề phải bảo đảm chất lượng và có đầu ra với thu nhập khá. Do đó, việc ký cam kết với người học về tạo việc làm là giải pháp bền vững mà trường nghề phải thực hiện. |