Nhiều lợi thế khi lựa chọn học nghề
Cuối tuần qua, hàng ngàn phụ huynh, học sinh lớp 9 của nhiều Trường THCS trên địa bàn quận 6, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn háo hức tìm hiểu thông tin hệ 9+ (vừa học trung cấp vừa học THPT hệ giáo dục thường xuyên) do các trường nghề trên địa bàn thành phố tổ chức. Sau khi được các chuyên gia của Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM tư vấn về ngành nghề, quyền lợi khi tham gia học hệ 9+, một số phụ huynh đã cho con em nộp hồ sơ vào trường. Võ Minh Luân, học sinh lớp 9/7 Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), cho biết, vì thấy chị gái khi học xong trung cấp có việc làm ổn định trong Khu công nghiệp Pouyuen (quận Bình Tân) nên em quyết định theo học hệ trung cấp song song với học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. “Lớp em có 50 bạn thì có 5 bạn cũng chọn học nghề như em. Sau này, có điều kiện em sẽ tiếp tục học lên cao hơn”, Luân chia sẻ.
Từ đầu tháng 3 tới nay, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM đã tuyển được 50/300 chỉ tiêu hệ 9+, trong đó nhiều em lựa chọn học hệ 9+ (4 môn - vừa học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên vừa học trung cấp nghề) hoặc hệ không học văn hóa (chỉ học nghề).
Tương tự, TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, thông tin, năm học 2024-2025 trường tuyển 350 chỉ tiêu hệ 9+. Phụ huynh khi chấp thuận cho con theo học hệ 9+ có nhiều lợi thế, đó là thời gian học nghề ngắn, với học sinh tốt nghiệp THCS các em chỉ mất 3 năm là có song bằng (bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên và bằng trung cấp), 5 năm để có bằng cao đẳng, 7 năm có bằng đại học. Người học có việc làm đúng chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp do chương trình được thiết kế với thời gian thực hành (tại doanh nghiệp) từ 55%-70% thời lượng học. Bên cạnh đó, học sinh còn được miễn 100% học phí, được hỗ trợ vay vốn học tập và du học, làm việc ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức…
Nói về cơ hội học tập, lao động tại Nhật Bản, Th.S Lâm Hưng Thịnh, đại diện Trường Đại học Kyoto Computer Gakuin Nhật Bản, chia sẻ: “Trường Đại học Kyoto Computer Gakuin Nhật Bản đang phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ TPHCM đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và ngành truyền thông - mạng máy tính. Khi các em học xong hệ trung cấp (9+), liên thông lên cao đẳng, đạt chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N4 (cấp độ trung bình trong bài thi năng lực tiếng Nhật) thì sẽ được qua Trường Đại học Kyoto Computer Gakuin học tiếp để lấy bằng kỹ sư. “Mức học phí bình quân 200 triệu đồng/năm/sinh viên sẽ được Trường Đại học Kyoto Computer Gakuin tạm ứng trước cho sinh viên 2 ngành học trên, sau khi tốt nghiệp các em sẽ được doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng và phần học phí được khấu trừ dần vào lương. Đây là cơ hội để học sinh lựa chọn, định hướng tương lai cho mình”, Th.S Lâm Hưng Thịnh nhấn mạnh.
Tháo gỡ các “điểm nghẽn”
Theo TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM, năm học 2023-2024, thành phố có 116.296 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó không quá 70% đậu vào lớp 10 công lập, 30% (khoảng 39.000 học sinh, tăng 10.000 học sinh so với năm học trước) còn lại rẽ hướng vào các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường nghề (cao đẳng, trung cấp)… Trong khi đó, các trường nghề trên địa bàn thành phố cần trên 50.000 chỉ tiêu trong năm học 2024-2025.
Để hút học sinh sau THCS về trường nghề, Trường Cao đẳng Nghề TPHCM cùng các trường bạn đã và đang đẩy mạnh cách tiếp cận, tác động đến tư duy, nhận thức của cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS đến phụ huynh, học sinh khối lớp 9 theo hướng “mưa dầm thấm đất”. “Năm học 2023-2024, riêng hệ 9+ trường tuyển sinh đạt 158% (939/595 chỉ tiêu), khẳng định “thương hiệu” nhà trường với phụ huynh, học sinh. Tôi tin tưởng năm nay sẽ tuyển vượt con số 939 học sinh”, TS Trần Kim Tuyền chia sẻ.
Theo hiệu trưởng một số trường nghề, đạt kết quả tuyển sinh hệ 9+ như Trường Cao đẳng Nghề TPHCM không nhiều. Đa số trường ngoài công lập tuyển sinh không như kỳ vọng, có trường tuyển chỉ được 1-5 học sinh/ngành học, dẫn tới phải tạm dừng tuyển sinh. Th.S Nguyễn Văn Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, cho hay: việc phân luồng học sinh sau THCS của TPHCM đặt ra theo tỷ lệ 7:3, nhưng thực chất chỉ 10% học sinh rớt lớp 10 công lập lựa chọn học nghề; 20% còn lại chọn học THPT dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, đi du học…
Vì vậy các trường nghề mong muốn TPHCM, bộ, ngành liên quan tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác phân luồng, hướng nghiệp sau THCS và sau THPT. Chẳng hạn, Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT ngày 8-11-2022 của Bộ GD-ĐT quy định học sinh lựa chọn học 4 môn văn hóa ở trường nghề, chỉ được liên thông lên cao đẳng, còn muốn liên thông đại học thì phải học 7 môn (hệ giáo dục thường xuyên) để thi tốt nghiệp THPT. Việc này dẫn tới người học lưỡng lự, đợi sau khi có kết quả thi tuyển lớp 10 công lập rồi mới lựa chọn học gì. Bên cạnh đó, phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào THPT của sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố và hệ thống phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT vào các trường đại học nên có thêm lựa chọn học vào các trường cao đẳng, trung cấp. “Giải được 2 bài toán trên, công tác tuyển sinh của trường nghề sẽ dễ dàng hơn”, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực TPHCM, nhấn mạnh.