Ngày 17-10, TAND TPHCM đã tuyên án đối với 34 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản", rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cùng các tổ chức liên quan.
Theo đó, hầu tòa ở vụ án thứ 2 (thường gọi là vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2), bà chủ Tập đoàn VTP bị tuyên phạt án tù chung thân cho cả 3 tội. Trước đó, ở vụ án thứ nhất, Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản" và đang chờ xét xử phúc thẩm.
Lừa đảo hơn 35.000 bị hại
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, có đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã có hành vi lừa đảo hơn 35.000 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 8-2018, SCB đang trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn VTP gặp khó khăn, nợ xấu kéo dài. Trước bối cảnh trên, Trương Mỹ Lan đã ra chủ trương, họp với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn VTP, SCB và Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp.
Các bị cáo đã thống nhất sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn VTP gồm: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, với mục đích tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ.
Các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty Chứng khoán TVSI - đại diện tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu.
Để phân phối trái phiếu, lãnh đạo SCB và TVSI phối hợp xây dựng chương trình, sau đó SCB tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với TVSI.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các nhà đầu tư trái phiếu được sử dụng để Tập đoàn VTP trả nợ vay ngân hàng, trả gốc, lãi trái phiếu, chi dự án, chuyển tiền ra nước ngoài hoặc mục đích cá nhân khác của Trương Mỹ Lan. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành khi người dân chuyển tiền để mua các lô trái phiếu.
Lợi dụng hệ thống thanh toán quốc tế
Theo Hội đồng xét xử, từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo thuộc SCB và Tập đoàn VTP chuyển tiền ra khỏi SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỷ đồng.
Số tiền này đã dùng để chi cho các mục đích khác nhau, như: trả gốc, lãi trái phiếu, chi trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB, chi trả cho những người được thuê đứng tên làm giám đốc, cho những người ký chứng từ chạy dòng tiền, chi cho dự án đang triển khai dở dang, chuyển tiền ra nước ngoài…
Ngoài ra, trong thời gian từ 2012 - 2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trịnh Quang Công và các bị cáo khác lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB. Tổng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỷ USD (chuyển đi 1,5 tỷ USD, nhận về 3 tỷ USD).
HĐXX nhận định, các bị cáo dù không mang tiền qua biên giới về mặt cơ học nhưng các bị cáo đã lợi dụng thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối của ngân hàng để thực hiện hành vi vận chuyển tiền qua biên giới, đây là phương thức, thủ đoạn mới.
Mức án cụ thể của 34 bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2.