Mặc dù đã có nhiều nỗ lực xây trường, tận dụng tối đa phòng chức năng, giảm số lớp học 2 buổi/ngày, nhưng dự báo bài toán giải quyết đủ chỗ học cho học sinh TPHCM vẫn gặp khó.
Xây nhiều phòng học vẫn thiếu
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn, năm học 2018-2019, TP sẽ có 882 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 641 phòng tăng thêm và 241 phòng xây thay thế. Như vậy, so với năm học trước, tổng số phòng học mới đưa vào sử dụng của năm nay giảm hơn 40% (năm học 2017-2018, toàn TP có thêm 1.479 phòng học mới - PV). Trong đó, bậc học có số lượng phòng tăng thêm nhiều nhất là tiểu học với 269 phòng; kế đến là mầm non tăng 228 phòng; 2 bậc THCS và THPT tăng thêm 121 phòng.
Theo phân tích của một cán bộ Sở GD-ĐT, năm nay tiểu học dẫn đầu danh sách số lượng phòng mới đưa vào sử dụng do nhu cầu về chỗ học gia tăng đột biến (giải quyết chỗ học cho lứa học sinh chuẩn bị vào lớp 1 có năm sinh “rồng vàng” - 2012). Riêng bậc mầm non năm học trước đã được xây mới 287 phòng, nhưng năm nay vẫn phải bổ sung thêm 228 phòng, cho thấy nhu cầu về chỗ học của trẻ ở lứa tuổi này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2018-2019, toàn TP tăng thêm 20.225 học sinh mầm non và 26.812 học sinh tiểu học. Như vậy, nếu căn cứ theo Điều lệ trường mầm non và tiểu học, để giải quyết đủ chỗ học cho số lượng học sinh tăng thêm này, toàn TP cần hơn 1.300 phòng học được xây mới, song trên thực tế mới đáp ứng được 38% nhu cầu.
Trong đó, một số địa phương dẫn đầu danh sách số phòng học mới đưa vào sử dụng đầu năm học trước như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12 năm nay vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng “khát” chỗ học. Cụ thể, huyện Bình Chánh năm học 2017-2018 đã bổ sung thêm 137 phòng, năm học này tiếp tục đưa thêm 148 phòng học mới vào sử dụng. Quận Bình Tân năm ngoái xây thêm 89 phòng, năm nay đang dốc sức hoàn thành thêm 109 phòng học mới. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết năm học 2018-2019, tổng số học sinh chuẩn bị vào lớp 1 của quận tăng hơn 4.000 em so với năm học trước, tương ứng với việc cần 84 phòng học một buổi hoặc 168 phòng học 2 buổi. Tuy nhiên, quận này chỉ tăng thêm 11 phòng học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền. Do đó, để đảm bảo 100% học sinh có chỗ học, địa phương đang tính đến các giải pháp như giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm lớp bán trú, tăng sĩ số học sinh/lớp. Tương tự, ở các quận Tân Phú, Gò Vấp và Thủ Đức, năm học mới này không có phòng học mới đưa vào sử dụng ở bậc tiểu học, nhưng số học sinh lớp 1 tăng hơn 2.000 em ở mỗi địa phương, buộc các trường phải chấp nhận nâng cao sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.
Mở rộng xã hội hóa
Mới đây, nhiều phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con vào Trường Tiểu học Lê Đức Thọ - trường tiểu học duy nhất của quận Gò Vấp thực hiện mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, đã tá hỏa khi nhận được thông báo nhà trường sẽ tổ chức các buổi gặp trực tiếp với từng phụ huynh và học sinh để sàng lọc danh sách nhận hồ sơ nhập học vào lớp 1. Chị Kim Ái, một phụ huynh vừa tham gia buổi trao đổi diễn ra hồi đầu tuần này, cho biết nhà trường chủ yếu phổ biến mức thu học phí cùng nhiều khoản thu khác và kiểm tra khả năng phù hợp với chương trình học của từng học sinh để sàng lọc danh sách nhận hồ sơ. Đây là cách tuyển chọn học sinh khá phổ biến ở các hệ thống ngoài công lập, chưa từng có tiền lệ ở trường công. “Nghe đâu năm nay do số lượng học sinh từ quận 12 và các phường trên địa bàn quận Gò Vấp đổ về quá đông nên nhà trường phải tổ chức phỏng vấn để sàng lọc hồ sơ. Nội dung trao đổi khá nhẹ nhàng nhưng vẫn khiến tôi lo lắng vì phải hồi hộp chờ đến 5/8 trường mới công bố danh sách trúng tuyển”, chị Ái bày tỏ. Song, qua đó cũng phản ảnh thực tế phụ huynh đã dần tin tưởng chất lượng của mô hình trường tiên tiến. Từ việc các trường phải chủ động “tiếp thị” hình ảnh đến phụ huynh ở các năm trước thì hiện tại “cầu” đã vượt “cung”, chứng tỏ được hướng đi đúng đắn của một trong những mô hình “tận dụng ưu thế của xã hội hóa để phát triển trường công”.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến tháng 6-2018, TP đã đạt tỷ lệ 268 phòng học/10.000 dân, tăng thêm 9 phòng so với thời điểm này năm ngoái. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng trong mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2020 của UBND TPHCM. Tuy nhiên, với tình hình quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng eo hẹp, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư, nếu không tiếp tục có những kế hoạch phát triển lâu dài thì bài toán đầu tư cho giáo dục sẽ xuất hiện nhiều lỗ hổng. Trong đó, 2 bậc học nền tảng vốn chịu nhiều áp lực về tuyển sinh là mầm non và tiểu học khó đảm bảo chất lượng hoạt động như những gì chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra.