Trường học phải thuê máy tính để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tin học

Sáng 20-8, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ VN TPHCM do ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND quận 4 về công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025. 

Tại buổi làm việc, ông Tất Quốc Thắng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 4 cho biết, thời điểm hiện tại, công tác tuyển sinh đầu cấp của địa phương đã hoàn tất. Toàn quận có 1.458 học sinh lớp 1, 1.763 học sinh lớp 6 được phân bổ vào các trường tiểu học và THCS.

Năm học 2024-2025, quận 4 có nhu cầu tuyển mới 112 giáo viên, 13 nhân viên phục vụ nhu cầu giảng dạy của các trường học, đơn vị trực thuộc trên địa bàn.

z5748848006530_75785a94a68efa4166c09a2aae4075a2.jpg
Ông Tất Quốc Thắng, Phó phòng GD-ĐT quận 4, báo cáo tình hình chuẩn bị năm học mới tại địa phương

Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn quận có 8/14 trường tiểu học, 2/6 trường THCS thực hiện phương án thuê máy vi tính phục vụ công tác giảng dạy bộ môn Tin học cho học sinh.

Đối với các trường còn lại, dù được trang bị phòng vi tính nhưng số lượng máy xuống cấp, lạc hậu, không sử dụng được chiếm tỷ lệ cao.

Ông Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 4) thông tin, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên năm học 2023-2024, nhà trường bố trí 2 học sinh dùng chung 1 máy vi tính.

"Để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Tin học, năm học 2024-2025, phương án thuê máy tính được triển khai để mỗi học sinh sử dụng riêng một máy tính. Giải pháp này giúp học sinh có thêm điều kiện học tập, tuy nhiên cần sự chung tay đóng góp của phụ huynh", Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh cho biết.

z5748848006625_c67109e0ce0b0b2ea1c7418ca4669e04.jpg
Phó Chủ tịch UBND quận 4 Đỗ Thị Trúc Mai thừa nhận khó khăn chung về nguồn tuyển giáo viên của các trường học

Mặc dù đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực của các trường học, Phó Chủ tịch UBND quận 4 Đỗ Thị Trúc Mai thừa nhận hàng loạt khó khăn chung trong ngành giáo dục như hạn chế về cơ sở vật chất, thiếu nguồn tuyển giáo viên, một số quy định cấp bộ ngành chưa sát thực tế...

z5748847554487_2095b6a79447f8fd38f9569d30283f16.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, kiến nghị các sở ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn các nội dung như: triển khai các khoản thu đầu năm học; thực hiện chế độ miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; đấu thầu hoạt động căn tin, bãi giữ xe trường học...

Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương, phòng GD-ĐT phối hợp với phòng Nội vụ đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng giáo viên và bố trí cán bộ quản lý, qua đó kiện toàn đội ngũ nhân sự, giúp các trường thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học.

z5748848013082_6448dd1e6f955c5e8d7d76ea579cc02b.jpg
Đoàn công tác của UBMTTQVN TPHCM tham quan thư viện Trường THCS Vân Đồn (quận 4)

Liên quan đề xuất của các phòng GD-ĐT về việc thống nhất thời gian tuyển dụng giáo viên giữa các địa phương nhằm hạn chế tình trạng hồ sơ ảo, ứng viên trúng tuyển nhưng không nhận nhiệm sở, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay tuyển dụng giáo viên bậc mầm non, tiểu học, THCS được phân cấp cho UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện. Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tuyển dụng ở cấp THPT.

"Thành phố đã phân quyền tuyển dụng cho các địa phương. Vì vậy, việc thống nhất thời gian tuyển dụng phải dựa trên cơ sở đồng thuận, chỉ cần một quận huyện không đồng ý thì không thể thực hiện", đại diện Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục