Những sai phạm tệ hại
Mới đây, ngày 8-4-2019, tại phiên xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Chung (50 tuổi, nguyên là giáo viên tổng phụ trách đội của một trường tiểu học tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) tù chung thân về 2 tội hiếp dâm trẻ em và dâm ô đối với trẻ em. Lợi dụng quan hệ thầy trò, bị cáo Chung đã nhiều lần gọi các em học sinh lớp 1 và lớp 3 vào phòng làm việc trong thời gian nghỉ giải lao giữa giờ để sàm sỡ trong suốt thời gian dài.
Trước đó cũng đã có nhiều sai phạm tệ hại xảy ra tại học đường. Một hiệu trưởng trường dân tộc nội trú ở huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là học sinh tại trường. Tháng 6-2018, một giáo viên tại một trường tiểu học ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị tuyên án 6 năm tù giam, cấm hành nghề 5 năm sau khi có hành vi dâm ô (không có giao cấu) với 7 nữ sinh lớp 3 của trường. Tháng 1-2018, một giáo viên thể dục ở một trường tiểu học tại huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) cũng bị bắt do xâm hại một bé gái học lớp 2 tại trường.
Đó là những vụ việc xảy ra ngay trong trường, còn các vụ việc khác mà thủ phạm là giáo viên, hoặc người thân của giáo viên, thực hiện hành vi phạm tội với học sinh ở lớp học thêm, hoặc nơi nào khác ngoài nhà trường, cũng không hiếm. Từ đó có thể thấy, trước một đối tượng thân quen với học sinh là giáo viên và người thân của giáo viên, hoặc ở một nơi được coi là an toàn là trường học, thì dường như ý thức cảnh giác của học sinh và cả phụ huynh có phần nào không thể hiện đầy đủ.
Trên thực tế, vấn đề an toàn trong trường học không chỉ có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Nạn bạo hành học sinh ở nơi này nơi khác còn diễn ra với tính chất phức tạp, số học sinh bị bạo hành hoặc mức độ của hành vi bạo hành không có xu hướng giảm, mà còn tăng về số vụ và có sự biến tướng về hình thức vi phạm. Tâm lý “yêu cho roi cho vọt” đã bị lạm dụng nghiêm trọng, khiến không ít trường hợp học sinh bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần, mà nhiều vụ việc xảy ra với học sinh ở tuổi mẫu giáo, tiểu học - lứa tuổi có hạn chế về khả năng tự bảo vệ. Hay các trường hợp bạo lực học đường mà thủ phạm là chính các học sinh cũng diễn ra không phải cá biệt, thậm chí có nhiều vụ chỉ được biết đến khi có các clip phát tán trên internet.
Phải siết chặt kỷ luật
Các tai nạn trong nhà trường cũng diễn ra với tần suất không nhỏ. Ngoài các trường hợp chạy giỡn, học sinh xô đẩy nhau dẫn đến bị thương, có thể coi là khó kiểm soát, nhiều vụ việc khác cho thấy có sự lơ là, tắc trách của người lớn, dẫn đến những hậu quả khó lường cho học sinh. Chẳng hạn, việc giáo viên chạy xe trong trường gây tai nạn đã xuất hiện ở một số nơi. Hay các vụ sập trần, tường đổ, gãy nhánh cây, điện giật, sập sân khấu… đó đây cũng đã diễn ra, làm nhiều học sinh bị thương tật. Các tai nạn này đều rất đáng tiếc, không ai mong muốn, nhưng nếu như bản thân ban giám hiệu, các giáo viên, người lớn có ý thức tốt hơn, có trách nhiệm hơn, quan tâm đến sự an toàn của trẻ nhiều hơn, thì hẳn có thể hạn chế được nhiều vụ việc đau lòng.
Những vụ việc tệ hại như vậy không phải là nhiều so với tổng số trường học, tuy vậy vẫn rất đáng lo ngại. Trường học phải thực sự là nơi an toàn cho trẻ, là nơi tuyệt đối tránh các vụ việc xâm hại cố ý, kể cả thể chất hay tinh thần, đòi hỏi phải hết sức chú trọng vấn đề đạo đức nhà giáo và thực thi các quy định thực sự chặt chẽ và nghiêm minh. Các vụ tai nạn bất ngờ trong nhà trường cũng phải được hạn chế đến mức thấp nhất, thông qua việc thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và kịp thời khắc phục, thay thế các thiết bị, phương tiện hư hỏng, thiếu an toàn.
Để nhà trường thực sự an toàn, không thể giao hết trách nhiệm cho hiệu trưởng được. Ngành giáo dục phải siết chặt kỷ luật, sớm loại bỏ những giáo viên thiếu tư cách, đạo đức, không có khả năng sư phạm phù hợp; đồng thời hạn chế các hoạt động, chỉ tiêu có thể thúc đẩy tâm lý chạy theo thành tích, dẫn đến biến học sinh thành đối tượng thi đua chứ không phải là đối tượng được bảo vệ, chăm sóc, dạy dỗ. Chính quyền các địa phương phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thường xuyên cải tạo, sửa chữa trường lớp để bảo đảm an toàn, sạch đẹp, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng dạy và học.
“Nhà trường là nơi an toàn” phải thực sự trở thành một quan điểm nhất quán, một nhận thức mới của cả giáo viên, cán bộ ngành giáo dục và chính quyền các cấp.