Trong khi Quốc hội Mỹ có 6 tháng để tìm ra chương trình thay thế DACA, thì nhiều trường học Mỹ cũng bắt đầu chiến dịch bảo vệ những trẻ vị thành niên có nguy cơ dở dang chuyện học hành.
Sinh viên xuống đường phản đối chấm dứt DACA ở thành phố Los Angeles
Phận người không hợp pháp
Đối với chàng sinh viên trẻ người gốc Mexico Xavier Maciel, đây là trường hợp không phải của mình. Anh xuất thân từ một gia đình có tình trạng pháp lý phức tạp. Cả Maciel và em gái đã là công dân Mỹ, trong khi cha mẹ họ vẫn chưa có quốc tịch Mỹ. Chị gái 24 tuổi của anh là người thuộc diện của DACA và đang học tại Trường Rutgers University. Giờ đây khi DACA kết thúc, căng thẳng bao trùm lên gia đình Maciel.
Để được đăng ký và hưởng DACA, một người phải có độ tuổi dưới 31 trước tháng 6-2012, đã chuyển đến Mỹ trước khi tròn 16 tuổi, có bằng tốt nghiệp trung học hoặc đang có ý định lấy bằng này và không có tiền án, tiền sự. Vì thông tin DACA sẽ bị chấm dứt, mà chị gái Maciel đã phải mất một học kỳ chỉ để giải quyết những lo lắng liên quan đến nhập cư. Nhưng giờ đây, chị của Maciel đang cân nhắc liệu có nên quay lại giảng đường hay không vì mặc dù chỉ còn một năm nữa là kết thúc chương trình học, nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Đối với những người trong diện được DACA “bảo vệ”, giờ với họ là một cuộc chạy đua hốihả để hoàn thành bất cứ điều gì còn đang dang dở.
Maciel cho biết, chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, trước khi các đối tượng “nương nhờ” DACA bị tước mất vị trí được bảo vệ của mình, do đó không còn thời gian để chờ đợi. Anh đang nghiên cứu mọi lựa chọn pháp lý cho gia đình mình. Thậm chí, Maciel đang tính toán đến phương án liệu có thể trở thành người giám hộ hợp pháp cho em gái mình nếu những người khác trong gia đình bị trục xuất về Mexico.
Các trường hành động
Đoán trước tình hình chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định chấm dứt DACA, các trường Công giáo gần như trên toàn nước Mỹ đã gửi thư đến Bộ An ninh Nội địa lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ của Công giáo đối với các chương trình thúc đẩy việc trì hoãn trục xuất. Lá thư với hơn 65 chữ ký từ hiệu trưởng của các trường đại học Công giáo trên toàn nước Mỹ nói rằng: “Với tư cách là lãnh đạo của các trường cao đẳng và đại học Công giáo, chúng tôi hướng đến việc giáo dục các sinh viên đến từ mọi quốc gia khác nhau”. Theo cam kết này, nhiều trường Công giáo đã trở thành nơi giúp đỡ các sinh viên không có giấy tờ và đáp ứng các điều kiện của DACA.
Nhận thư, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa John Kelly đề nghị được gặp gỡ lãnh đạo các trường đại học Công giáo để thảo luận và hiểu biết sâu hơn về các chính sách nhập cư hiện nay nhằm bảo vệ những người di cư không có giấy tờ và không có các hành vi phạm tội. Bức thư nói rằng, việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương là nghĩa vụ của các trường Công giáo. “Chính sách DACA đã cho phép sinh viên của chúng tôi tiếp tục việc học tập và theo đuổi nghề nghiệp trong các lĩnh vực họ đã lựa chọn, từ giáo dục đến y khoa, bất chấp những lo lắng cũng như tình trạng bất ổn”.
Sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo chấm dứt DACA, giáo viên Trường Pomona College ở Claremont, bang California cùng nhau soạn thảo đơn kiến nghị để trường được công nhận là một “thiên đường an toàn”. Ngay sau đó, các trường khác đã theo lời thỉnh cầu này và một danh mục các khu nhà ở an toàn dành cho sinh viên của trường ra đời. Hiện nay, các khu vực này càng có ý nghĩa khẩn cấp khi gần 800.000 người có thể mất đi quyền được bảo vệ của DACA.
Còn sinh viên Maciel đã tạo cổng nối thông tin duy nhất cho các trường đại học, theo đó xác định “các khuôn viên trường học có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho sinh viên nhập cư”, bao gồm cả Trường Pomona College anh đang theo học. Mục đích là để cung cấp thông tin cho các sinh viên di dân biết được thái độ của nhà trường trong việc bảo vệ họ. Khi DACA kết thúc, nhiều trường đại học đã và đang tìm cách đưa các cam kết “đảm bảo an toàn cho các sinh viên là di dân bất hợp pháp” trước đây vào chương trình hành động.
Theo Giáo sư Kathleen Kim của Trường Luật Loyola ở Los Angeles, tình hình hiện nay khiến bất cứ mục tiêu nào để được học cao hơn giờ cũng mang nhiều rủi ro cho hàng ngàn sinh viên đại học là di dân bất hợp pháp. Tùy vào luật từng bang, các sinh viên nhập cư bất hợp pháp này có thể bị mất học phí. Chẳng hạn như ở California, theo luật AB 540 của bang, hay còn biết đến như Đạo luật giấc mơ California (California Dream Act), theo đó các sinh viên trong diện DACA được ghi danh và có thể được học bổng hay tiền tài trợ của bang. Trong một số trường hợp, sau khi tình trạng DACA của người nào đó hết hạn, họ trở thành một sinh viên quốc tế đầy đủ thì họ phải trả học phí quốc tế. Điều này có thể làm hỏng triển vọng học tập của những người trẻ tuổi này.
Để đủ điều kiện được hưởng các ưu đãi của DACA, các em phải cung cấp mọi thông tin chi tiết cá nhân như địa chỉ, trường học hay nơi làm việc... Nếu DACA kết thúc, những thông tin trên sẽ giúp nhà chức trách dễ dàng tìm kiếm và trục xuất họ. Hàng ngàn các em đang bị tổn thương.
Cho đến nay, hầu hết các định chế công đều đã khẳng định sự ủng hộ đối với người nhập cư sau khi sự thay đổi về các chính sách nhập cư được thông báo. Trong đó, Trường ĐH California (UC) là trường đầu tiên có hành động pháp lý và kiện chính phủ của Tổng thống Donald Trump về cái gọi sự vi hiến về quyền của các trường đại học và sinh viên.
Tuy nhiên, giáo sư Kim kêu gọi mọi trường: “Điều bắt buộc là chúng ta phải đứng lên cùng với UC. Nếu các cơ quan có thẩm quyền đến trường đại học để xác minh một cá nhân bị trục xuất, trường đại học đó sẽ không có cơ sở pháp lý để can thiệp, đặc biệt là nếu hoạt động đó được hỗ trợ thêm bằng một lệnh bắt giữ đi kèm. Tuy nhiên, các trường có thể được phép không chia sẻ thông tin cá nhân… Tạm thời, trong khi nhiều trường đang tích cực làm mọi cách tăng quỹ học bổng để hỗ trợ các em trong diện này, thì một trong những cách tốt nhất của các trường đại học là hãy tạo sự giúp đỡ cho các sinh viên di dân, giúp họ tiếp tục học và cảm thấy an toàn”.