Mặc dù TPHCM đã tăng thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu nhập đời sống cho giáo viên, công tác tuyển dụng nhiều năm qua được tập trung đẩy mạnh, nhưng các quận, huyện vẫn không tuyển đủ giáo viên. Chưa bao giờ vấn đề đào tạo và sử dụng đội ngũ trở nên nan giải, khiến các trường đau đầu nhiều đến thế.
Nỗi khổ kiêm nhiệm
Sáng 11-5, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với UBND quận Bình Thạnh, câu chuyện bất cập về định biên nhân sự đối với 4 chức danh y tế, văn thư, thủ quỹ và kế toán trường học một lần nữa lại được đề cập.
Theo ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận Bình Thạnh, quy định chỉ có 2 biên chế nhân sự cho 4 vị trí việc làm là hết sức vô lý. Các quận, huyện đã nhiều lần kiến nghị UBND TP đề xuất Bộ GD-ĐT chấp thuận cơ chế đặc thù cho TPHCM - với đặc tính trường học đông học sinh, vẫn còn nhiều điểm lẻ ở hai bậc mầm non và tiểu học - tăng thêm biên chế đối với các vị trí việc làm. Đáp lại băn khoăn này, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, đề xuất phương án các trường có thể hợp đồng thuê nhân viên kế toán. Riêng đối với vị trí nhân viên y tế, trường học sẽ phối hợp với trung tâm y tế phường, xã trong việc hỗ trợ đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Tuy nhiên, theo bà Cao Thị Mai Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non 5 (quận Bình Thạnh), đặc thù của bậc mầm non đòi hỏi nhân viên y tế phải túc trực ở trường suốt cả ngày để thực hiện công tác sơ cấp cứu, đề phòng những bệnh tật bất ngờ xảy ra. Do đó, nếu chỉ dựa vào đội ngũ liên kết với trạm y tế phường, xã sẽ khó đảm bảo yêu cầu công việc. Thêm vào đó, kế toán là vị trí quan trọng, nắm giữ toàn bộ tiền bạc, thu chi thực tế tại đơn vị nên phải chọn người có thể tin tưởng, gắn bó với tập thể sư phạm, không thể hợp đồng ngắn hạn bên ngoài. Nếu lựa chọn hình thức kiêm nhiệm, các trường loay hoay không biết tích hợp các vị trí thế nào vì từng công việc đều đòi hỏi yêu cầu riêng về chuyên môn và trách nhiệm.
Thu nhập cao sẽ giúp giáo viên yên tâm đứng lớp
Riêng đối với vấn đề tuyển dụng giáo viên, ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11, cho biết trong 3 năm học vừa qua, giáo viên mầm non mới tuyển dụng trên địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Số lượng ứng viên đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu các trường cần tuyển. Năm học 2016-2017, toàn quận còn thiếu 15 giáo viên mầm non. Tương tự, tại quận 10, năm học 2016-2017, Trường Mầm non 3 thiếu 4 giáo viên nhưng không có ứng viên nào tham gia tuyển. “Giáo viên thiếu, nhân viên nuôi dưỡng không đủ đáp ứng nhu cầu nên trường phải hợp đồng lại một số giáo viên đã về hưu. Ban giám hiệu phải thường xuyên xuống lớp hỗ trợ giáo viên trong giờ ăn và giờ trả trẻ, thậm chí kiêm nhiệm thêm các công việc thủ kho, thu ngân…”, đại diện Trường Mầm non 3 (quận 10) cho biết.
Vất vả nâng cao thu nhập
Vất vả nâng cao thu nhập
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, giáo viên mầm non mới ra trường hiện nay có tổng thu nhập (gồm lương, phụ cấp ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách và thu nhập tăng thêm từ các khoản thu khác của đơn vị) khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Người có thâm niên công tác từ 5 - 10 năm, thu nhập trên 5,6 triệu đồng/tháng, từ 10 - 15 năm thu nhập hơn 7 triệu đồng. Riêng ở bậc tiểu học, do chưa có chính sách trợ cấp ưu đãi như ở mầm non (theo Nghị quyết 01 của HĐND TPHCM về hỗ trợ giáo dục mầm non) nên tổng thu nhập của giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 4,1 triệu đồng/tháng.
Thực tế này, theo ông Đặng Đức Hoàng, là chưa tương xứng với yêu cầu và đòi hỏi công việc của giáo viên ở các bậc học này. “Các thầy cô phải có mặt ở trường từ 6 giờ, làm việc đến hơn 17 giờ 30. Khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn trong khi đồng lương chỉ tương đương nhân viên bán hàng ở siêu thị nên chưa thu hút người lao động”, ông Hoàng tâm tư.
Hiện nay trên địa bàn quận 11, thu nhập bình quân của giáo viên dao động từ 2,2 - 8,9 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này theo nhận xét của lãnh đạo nhiều đơn vị là chưa đảm bảo được đời sống, khiến năm nào cũng có trường hợp giáo viên xin nghỉ việc. Đối với các vị trí như thủ quỹ, văn thư, kế toán, y tế, giám thị, thư viện, bảo vệ và phục vụ, mức thu nhập càng chạnh lòng hơn. Có trường hợp như một nhân viên phục vụ tại Trường Tiểu học Trần Quang Vinh (quận Bình Thạnh), sau 5 năm công tác, thu nhập chỉ ở mức 1.645.000 đồng/tháng.
Thực tế này góp phần lý giải vì sao nhiều năm qua TP đã dành nhiều chính sách ưu đãi như tuyển dụng người không có hộ khẩu TP, hỗ trợ lương và phụ cấp ưu đãi nhưng vẫn chưa thu hút được người lao động. Hiện nay, UBND TP đã chấp thuận chủ trương kéo dài thêm thời gian hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mầm non mới ra trường, tạo nhiều điều kiện tăng thêm thu nhập cho giáo viên các bậc học khác như tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, triển khai các chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học tích hợp… Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ căn cơ hơn từ phía cơ quan quản lý để gỡ nút thắt bài toán về nhân sự, giúp giáo viên có thể yên tâm, sống được với nghề.
Ở hai bậc tiểu học và THCS, các đơn vị cũng phản ánh không được giao định biên các chức danh giám thị, nhân viên tư vấn tâm lý học đường, tổng phụ trách Đội khiến mỗi nơi tự xoay xở mỗi kiểu, ảnh hưởng chất lượng hoạt động chung của đơn vị.