Theo đó, Sở này yêu cầu việc tiếp nhận tài trợ của các đơn vị trường học phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT là đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, tài trợ tối thiểu đối với phụ huynh, không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp, không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục.
Các cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, cải tạo sửa chữa… Các nhà tài trợ được khuyến khích thực hiện đầu tư, xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho trường học.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy, các khoản chi trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên…
Lãnh đạo các trường cần mở rộng các đối tượng vận động tài trợ, không tập trung vào một đối tượng là phụ huynh học sinh.
Về kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, các khoản kinh phí ủng hộ của người học hoặc gia đình người học được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không sử dụng các khoản kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học sinh vào các mục đích mua sắm máy móc trang thiết bị, bảo vệ cơ sở vật chất, khen thưởng giáo viên, hỗ trợ công tác quản lý…
Đặc biệt, lãnh đạo các trường học không nhận ủy quyền hoặc thay mặt sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Các khoản thu gồm có mức thu trường tiên tiến, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, môn tự chọn, học nghề, tổ chức phục vụ bán trú, vệ sinh các lớp bán trú...