Mưa dầm thấm đất
Trước thềm khai giảng năm học mới, thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên lớp Chồi 3, Trường Mầm non 1 (quận 5) dành thời gian thu thập vỏ chai nhựa, miếng xốp, ống hút và ly nhựa để chuẩn bị cho bài dạy “Hiện tượng chuyển động của nước”. Giáo viên này cho biết, để lồng ghép các hoạt động ứng dụng STEM (mô hình giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách tích hợp) vào tiết học cho trẻ trong độ tuổi 4-5 tuổi không phải việc làm đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo không ngừng của giáo viên. Bởi đối với trẻ mầm non, kiến thức mà trẻ tiếp cận phải dễ hiểu, xuất phát từ thực tế cuộc sống. Với bài học về sự chuyển động của nước, thầy Phương Bình lên kế hoạch tổ chức cho học sinh làm thuyền từ vỏ chai nhựa, dây thun và ống hút, sau đó tạo tình huống cho trẻ quan sát hiện tượng thuyền di chuyển trên mặt nước, từ đó rút ra nguyên lý hoạt động.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1), cho rằng, để giảm tối đa chi phí cho các hoạt động, giáo viên có thể tận dụng nguyên vật liệu có sẵn, dạy học không tập trung quá nhiều vào sản phẩm mà tạo ra tình huống, dành nhiều thời gian cho trẻ thảo luận, nói lên suy nghĩ của mình thông qua các hoạt động khám phá, trải nghiệm.
Khác với bậc mầm non, việc lồng ghép kiến thức thông qua các hoạt động “chơi mà học” ở trường tiểu học đối mặt với thách thức về sĩ số. Đại diện Phòng GD-ĐT
quận 8 cho biết, nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận hiện nay có sĩ số 50 học sinh/lớp, chưa kể một bộ phận giáo viên lớn tuổi chưa mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học, điều kiện cơ sở vật chất ở các trường không đồng đều dẫn đến kết quả thực hiện chênh lệch ở các đơn vị. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều quận, huyện trước áp lực cao về tỷ lệ gia tăng dân số cơ học. Nhằm giải quyết khó khăn này, TP Thủ Đức đã thành lập mô hình “Câu lạc bộ công nghệ” ở các trường học với mục đích tạo ra cộng đồng sinh hoạt chuyên môn, là nơi giáo viên chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi vướng mắc gặp phải khi triển khai các phần mềm, ứng dụng công nghệ vào tổ chức các hoạt động dạy học.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam nhấn mạnh, mỗi đơn vị cần dựa vào điều kiện thực tế để triển khai hoạt động dạy học STEM ở nhiều mức độ, có thể triển khai từng phần, lồng ghép trong các hoạt động dạy học khác nhằm đem đến hiệu quả giáo dục lâu dài cho học sinh theo kiểu “mưa dầm thấm đất”.
3 giai đoạn học tập trực tuyến
Đối với hai cấp THCS và THPT, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, năm học 2022-2023, trường học trên địa bàn TPHCM sẽ tổ chức dạy học trên internet một cách có chủ đích. Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh tạm dừng đến trường, việc triển khai dạy học trực tuyến chủ yếu để không làm gián đoạn quá trình học tập, qua đó phát huy tính tự học, tự nghiên cứu.
Trong năm học 2022-2023, học sinh đã quay lại trường học trực tiếp, nhưng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các trường học vẫn đặt mục tiêu trường học phải tổ chức 35% hoạt động học tập trực tuyến. Theo đó, dạy học được triển khai gồm 3 giai đoạn: trước khi lên lớp (giáo viên giao nhiệm vụ học tập, tìm hiểu kiến thức cho học sinh trên hệ thống quản lý học tập kèm kiểm tra, đánh giá); triển khai thời khóa biểu (học tập trực tiếp trên lớp); sau thời khóa biểu (củng cố, ôn tập kiến thức cho học sinh trên hệ thống quản lý học tập).
Đánh giá về hướng đổi mới trên, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, nêu ý kiến, các phần mềm học tập trực tuyến giúp mở rộng không gian, thời gian tổ chức hoạt động học tập cho học sinh, qua đó giúp cha mẹ học sinh có thể theo dõi, đồng hành việc học cùng con. Bên cạnh tác động tích cực, các quận, huyện kiến nghị Sở GD-ĐT TPHCM có thêm văn bản hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động dạy học này nhằm giúp các trường thực hiện đồng nhất, nhận được sự đồng hành của phụ huynh, tránh tình trạng thực hiện mỗi nơi một kiểu.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, lưu ý, các thầy, cô giáo cần thay đổi thói quen, phương pháp dạy học cũ là tập trung truyền thụ kiến thức trên lớp, quá phụ thuộc vào ngữ liệu sách giáo khoa mà phải quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh thông qua nhiều hình thức học tập như ngoại khóa, trải nghiệm...