Lúng túng dạy học on - off
Sáng 23-2, tiết học môn âm nhạc của lớp 4A9, một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, mất hơn 10 phút đầu giờ điểm danh học sinh do trường thực hiện ghép lớp học trực tuyến sau khi xuất hiện nhiều ca F0 trong các lớp học. Tuy nhiên, khi giáo viên triển khai bài học, nhiều học sinh cho biết đã học bài này trước đó do thời điểm chuyển qua dạy học trực tuyến giữa các lớp khác nhau. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở tiết tin học, giáo viên phải linh động cho học sinh nào đã học bài này trước đó được thoát khỏi lớp học.
Hình thức tổ chức lớp học ghép đang được nhiều trường tiểu học áp dụng trong điều kiện số lượng giáo viên và học sinh là F0 tăng nhanh ở các khối lớp. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, do đặc thù ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm phải dạy nhiều môn nên khi có một trường hợp giáo viên mắc bệnh, trường phải sắp xếp người dạy thay thế. Trường hợp có 2-3 giáo viên hoặc lớp học chuyển qua dạy học trực tuyến, giải pháp tạm thời là ghép lớp để không ảnh hưởng thời khóa biểu của học sinh.
Ở bậc trung học, tuần qua, các trường xử lý tình huống khi phát hiện liên tiếp các ca F0 khác nhau giữa các đơn vị. Cụ thể, tại một trường THCS ở quận 3, khi phát hiện hơn một nửa sĩ số học sinh của một lớp mắc F0, nhà trường chủ động lấy ý kiến các phụ huynh còn lại để quyết định hình thức dạy học trực tiếp hay trực tuyến đối với những học sinh không phải là F0 và F1. Song, ở nhiều nơi khác, giáo viên chủ nhiệm thống nhất với phụ huynh phương án xử lý là khi số lượng học sinh trong lớp nhiễm bệnh tăng cao (30%-50% tùy đặc thù sĩ số từng đơn vị), cả lớp đó sẽ chuyển qua dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng dạy học đồng đều cho tất cả học sinh.
Với những học sinh là F1, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết, thời gian tạm nghỉ học ở nhà là 3-5 ngày nhằm sàng lọc và theo dõi sức khỏe học sinh, tạo điều kiện cho đơn vị vệ sinh phòng ốc trước khi đón các em trở lại học trực tiếp.
Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), những học sinh là F0 và F1 được xếp lại thời khóa biểu theo hình thức lớp học chuyên đề trực tuyến, riêng giáo viên là F1 được tính toán bố trí tiết dạy phù hợp, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.
Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 10 bày tỏ, nếu không thống nhất trước phương án xử lý thì khi xảy ra tình huống, các trường sẽ lúng túng trong chuyển đổi hình thức dạy học. “Trường tôi 2 lớp cùng có học sinh là F0 nhưng một lớp phụ huynh đồng lòng chuyển qua dạy học online, trong khi đó lớp kia lại phản đối và cho rằng con họ không phải F0, F1 vì sao phải ở nhà học trực tuyến”, vị này cho biết.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay của Bộ Y tế là học sinh có tiếp xúc gần với các ca F0 trong môi trường kín, thời gian tiếp xúc từ 15 phút trở lên được xác định là F1. Trong điều kiện tất cả phòng học đều được mở cửa thông thoáng, nhà trường ưu tiên triển khai các hoạt động học tập theo nhóm nhỏ thì việc xác định học sinh là F1 cần được triển khai chặt chẽ nhưng không “vơ đũa cả nắm”, tránh ảnh hưởng quyền được đi học của học sinh.
Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương mở cửa trường học, các quy định về tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh vẫn theo hướng trực tiếp nên phương án dạy học cần đảm bảo hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh.
Giảm áp lực cho giáo viên
Sau hơn một tháng dạy học trực tiếp đối với các khối 7, 8, 9 và hơn một tuần với học sinh lớp 6, nhiều trường THCS cho biết đã tạm dừng dạy học livestream (vừa dạy trực tiếp học sinh ở lớp vừa kết hợp tương tác trực tuyến với học sinh học từ xa qua mạng - PV) vì quá cực cho giáo viên. Thời điểm hiện tại, học sinh tất cả khối lớp đồng loạt trở lại trường, quy định về xử lý F0 và F1 thu hẹp phạm vi xử lý so với trước đây nên các trường ưu tiên dạy học trực tiếp cho học sinh.
Cô N.T.T., giáo viên dạy môn Vật lý một trường THCS ở quận Tân Phú, cho biết, học sinh là F1 phải ở nhà theo dõi sức khỏe 5-7 ngày thì tính ra mỗi môn học chỉ mất 2-3 tiết, giáo viên có thể linh động giao bài tập cho các em tự luyện tập tại nhà. Trong khi đó, nếu triển khai song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến thì trong từng tiết học, giáo viên phải ghi nhớ số lượng và khả năng tiếp thu kiến thức của 2 nhóm học sinh.
Trong tất cả bước dạy gồm triển khai lý thuyết, đặt vấn đề, giao bài tập, giáo viên phải dành thời gian tương tác với học sinh tại nhà nên khó tránh việc “cháy giáo án”, ảnh hưởng hiệu quả truyền đạt kiến thức cho cả 2 nhóm. Do đó, nhiều trường đã chọn phương án gửi video clip bài giảng và phiếu bài tập cho học sinh tự học tại nhà, bố trí thêm các tiết phụ đạo, giải đáp thắc mắc vào cuối tuần để giảm áp lực trong một tiết dạy trực tiếp của giáo viên.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TPHCM, đánh giá, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở các trường học, dự kiến trong tuần này số ca F0 tiếp tục tăng thêm. Đây là giai đoạn đòi hỏi khả năng chủ động xử lý tình huống của các trường học, linh hoạt tổ chức phương án dạy học, sắp xếp thời khóa biểu, đảm bảo không làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh.