Đất công không ai xót
Năm 1995, khu đất diện tích 51.598m2 (số 53 Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) được UBND TPHCM quyết định chuyển sở hữu nhà nước và giao Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức quản lý, điều hành.
Sở GD-ĐT đã giao lại cho Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp Thủ Đức (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức - TDC) sử dụng diện tích khu đất trên. Tháng 12-2013, UBND TPHCM có quyết định đề nghị công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho những tổ chức trực thuộc Sở GD-ĐT quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố, trong đó có TDC.
Vấn đề phức tạp nảy sinh khi năm 1994 trung tâm ký hợp đồng cho DN tư nhân SX-TM-DV Thu Hà, số 43A Võ Văn Ngân, Linh Chiểu, Thủ Đức - đại diện pháp lý là ông Nguyễn Hữu Thọ thuê mặt bằng với diện tích 60m2 để làm kho chứa hàng. Sau đó, ông Thọ tái ký hợp đồng thuê mặt bằng khác, đưa tổng cộng diện tích ông Thọ thuê của TDC thành 118m2.
Thực tế, DN Thu Hà sử dụng tới 313,9m2 đất. Đến năm 2003, TPHCM có chủ trương không cho thuê đất trường học, TDC gửi thông báo thu hồi toàn bộ 313,9m2 đến ông Thọ, thời hạn chậm nhất là ngày 6-8-2004 ông Thọ phải giao trả cho trường, nhưng ông Thọ không thực hiện. Tiếp đó, các ngày 6-5-2005 và 19-7-2006, ông Thọ cam kết bằng văn bản giao trả mặt bằng nhưng rồi... cũng không thực hiện.
Ngày 22-7-2015, Thanh tra Sở TN-MT TPHCM có kết luận thanh tra, xác định ông Thọ đã chiếm dụng 195,9m2 đất giáo dục, trong khuôn viên TDC và kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND quận Thủ Đức thu hồi phần đất diện tích 195,9m2 bị ông Thọ chiếm giữ, giao lại cho TDC.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM tại văn bản 7714 ngày 19-8-2015, UBND quận Thủ Đức thu hồi phần diện tích 195,9m2 đất bị ông Thọ chiếm giữ. Ngày 26-5-2016, ông Thọ đã khởi kiện tại TAND quận Thủ Đức. Vụ án sau đó được chuyển đến TAND TPHCM thụ lý.
Ngày 12-6-2017, Sở TN-MT ra văn bản trả lời đơn của ông Thọ với nội dung: Phần đất 195,9m2 thuộc một phần bằng khoán số 344, tờ bản đồ số 4, Trung tâm Thủ Đức do dòng tu Congrégation Des Frères Des Ecoles Chrétiennes đứng bộ; vị trí tương ứng thuộc một phần thửa đất số 69, tờ bản đồ số 2 (tài liệu 299/TTg) do Ủy ban đăng ký; vị trí thuộc một phần thửa số 2, tờ bản đồ số 57 (tài liệu bản đồ địa chính 2003) do Trường Kỹ thuật CNXD đăng ký…
Do đó, việc ông Thọ cho rằng, phần đất trên do ông khai phá, xây dựng nhà xưởng và sử dụng từ năm 1993 đến nay, không chiếm dụng đất của ai và không rơi vào các trường hợp lấn chiếm… là không đúng!
Ngày 9-8-2019, Sở TN-MT tiếp tục có văn bản gửi TAND TPHCM, một lần nữa xác định: phần đất ông Thọ đang sử dụng là do lấn chiếm và nêu rõ “vì lý do trên nên chưa thể cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho TDC”.
“Việc ông Thọ chiếm giữ đất thuộc SHNN, không những gây cản trở việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho TDC, làm cho trường không thể triển khai quy hoạch phát triển nhiều năm dẫn đến phá vỡ định hướng phát triển TDC theo chủ trương của UBND TPHCM và Chính phủ”, Th.S Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng TDC, bức xúc.
Phức tạp chuyện dân đi nhờ trong trường
TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM (HOTEC) cho biết, HOTEC được thành lập năm 1998, sau khi Thành ủy TPHCM có Quyết định số 477/QĐ-TU ngày 20-12-1997 về việc thu hồi cơ sở 215-217 Nguyễn Văn Luông (phường 11 quận 6, do Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ quản lý) để giao cho Sở GD-ĐT lập dự án xây dựng Trường Trung cấp nghề của thành phố.
Lúc đó, hiện trạng của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ ngoài khuôn viên nhà, đất còn bao gồm 33 lô đất (diện tích 3.728m2) cấp cho giảng viên của trường làm khu tập thể. Các hộ dân đi ra đường Nguyễn Văn Luông bằng cổng chính của HOTEC.
Muốn ra cổng, xe từ khu ở phải băng ngang sân trường gần 300m mới ra cổng chính. Xe cộ người dân ra vào thường xuyên trong môi trường học khá phản cảm. Thậm chí có lúc xe máy, xe hơi đi ngang sân, giữa lúc học sinh, sinh viên đang học thể dục hay an ninh quốc phòng ngoài trời.
“Chúng tôi thấy không an toàn”, TS Khiêm cho biết rồi đau đáu: “HOTEC phải thuê đến 10 bảo vệ túc trực 24/24 giờ. Những trường khác có thể đóng cửa sau 18 giờ nếu không còn hoạt động, còn HOTEC vẫn phải có người canh cửa đến quá nửa đêm, chỉ làm một công việc là... mở cổng cho người trong khu 33 hộ dân ra vô”.
Trước thực tế này, tháng 10-2011, UBND quận 6 có văn bản đề nghị HOTEC xây dựng, sửa chữa tường bao của trường, để tạo lối đi cho 33 hộ dân này đi qua hẻm 177 Nguyễn Văn Luông, diện tích nâng cấp 79,3m2. Nguồn vốn thực hiện do ngân sách chi thường xuyên năm 2011 của HOTEC.
Đến ngày 15-11-2011, công tác thi công hoàn thành, đồng nghĩa 33 hộ dân (khoảng 100 nhân khẩu) có hẻm riêng để đi (hẻm 177). Điều oái oăm là, hẻm thi công xong, các hộ dân này cho xây tường bít lại với lý do: hẻm 177 có lối đi nhỏ chỉ hơn 3m, lại bị người hai bên đầu hẻm lấn chiếm, xe hơi không đi được, khi có việc cần xe tải hay cấp cứu thì rất khó khăn.
TS Phạm Đức Khiêm thông tin thêm, từ năm 2011, các đời hiệu trưởng đã nhiều lần kiến nghị UBND quận 6 mở lại hẻm 177 và yêu cầu người dân chỉ đi đường này thay vì băng ngang trường. Đến nay, kết quả vẫn... giậm chân tại chỗ.
Ông Hà Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết, vụ việc này diễn ra đã lâu. Hiện quận đang tập hợp hồ sơ, lịch sử hình thành khu đất có 33 hộ dân trong HOTEC và hướng xử lý của quận trước đây. Sau đó, sẽ trình Chủ tịch UBND quận 6 cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết trên tinh thần thần hài hòa lợi ích của người dân và nhà trường.
Ngày 5-6-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5279, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao xem xét, giải quyết kiến nghị của TDC với bản án phúc thẩm 1374/2010/DS-PT ngày 3-12-2010 của TAND TPHCM. Ngày 11-6-2018, TAND Tối cao có công văn truyền đạt ý kiến của Chánh TAND Tối cao chỉ đạo TAND TPHCM tiến hành kiểm tra, giải quyết và báo cáo vụ việc liên quan cho TAND Tối cao để trả lời Văn phòng Chính phủ. Đến nay, gần 3 năm, TDC vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. |