Ngôi trường không có gì nổi bật vì đó là một ngôi nhà bình thường được cho thuê để mở “trường”. Sarah và nhiều đồng nghiệp đã lập ra trường học này sau khi Taliban tiếp quản. Tất cả giáo viên đều là tình nguyện viên.
Những hạn chế về giáo dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được áp dụng trở lại ngay sau khi Taliban tiếp quản chính quyền Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái. Mặc dù Taliban cam kết các trường học dành cho nữ sinh sẽ mở cửa trở lại vào cuối tháng 3, nhưng chỉ vài giờ sau khi mở cửa trường trung học cho nữ sinh trên cả nước, ngày 23-3 vừa qua, Taliban đã bất ngờ tuyên bố các trường này vẫn sẽ đóng cửa cho đến khi một kế hoạch được đề ra theo luật Hồi giáo cho phép mở cửa trở lại.
Cũng như các nữ sinh viên khác, Sarah đã bị loại khỏi trường đại học khi đang là sinh viên năm 3, sau khi Taliban tiếp quản chính quyền. Khi các tình nguyện viên hiểu rằng các trường học dành cho nữ sinh sẽ không mở cửa trở lại, phụ nữ sẽ không được học đại học, họ đã tham gia dự án này. Trường có 18 giáo viên và hơn 200 học sinh từ 10 đến 18 tuổi, rất nhiều trong số này đến từ các vùng nghèo, hẻo lánh. Các giáo viên tình nguyện, có cả giáo viên chuyên nghiệp, dạy các môn theo giáo án như nghiên cứu Hồi giáo, toán học và tiếng Anh. Học sinh nữ ngồi trên sàn trải thảm của căn phòng, trước tấm bảng treo trên tường trắng.
Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh đều là các bé nhỏ, như Aalem, 40 tuổi, ngồi học lặng lẽ bên cạnh các em gái. Aalem được tham gia một chương trình có tên “Cơ hội thứ hai” vì cô muốn biết đọc và viết. Dạy cho những phụ nữ chưa từng có cơ hội học tập là một phần trong sứ mệnh của những trường học mới này - trong bối cảnh dù cho một số tiến bộ đã đạt được trong những năm gần đây (tỷ lệ biết chữ nói chung tăng từ 35% năm 2016 lên 43% năm 2020), nhưng tỷ lệ biết chữ ở nam giới Afghanistan vẫn cao hơn đáng kể, với 55% nam giới biết đọc và viết, so với phụ nữ chỉ 30%.
Hàng ngày, các giáo viên di chuyển xung quanh Kabul một cách cẩn trọng. Họ phải giữ kỹ điện thoại của mình và thường lưu mọi thứ vào một bộ nhớ riêng để đối phó với sự kiểm tra nghiêm ngặt của Taliban. Trong một số trường hợp, các gia sư và giáo viên tình nguyện mời học sinh đến nhà để dạy.
Ở đất nước này, có bằng đại học thường là tấm hộ chiếu cho địa vị xã hội cao hơn, một cuộc hôn nhân tốt hơn và một công việc tốt hơn. Nhưng những trở ngại đối với tương lai của phụ nữ có thể vẫn tiếp tục đeo bám họ, ngay cả với những người đang được đi học. Họ thường tự hỏi mình có tương lai gì ở đây, và có rất nhiều phụ nữ nghĩ đến việc rời Afghanistan để đi học.
Ví dụ như Basir Arian, đã trốn sang Iran, tập hợp được 25 giáo viên tình nguyện đến từ 14 quốc gia và thành lập một trường dạy tiếng Anh trực tuyến miễn phí giúp đỡ các bé gái ở Afghanistan. Ngôi trường mang tên “Những ngọn nến hy vọng cho Afghanistan” đã thu hút 500 học sinh, 90% trong số đó là phụ nữ đang sống ở Afghanistan. Họ giúp người trẻ ở Afghanistan tham gia các bài kiểm tra tiếng Anh thuộc Hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế, để được nhiều trường đại học nói tiếng Anh bên ngoài Afghanistan chấp nhận.