Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trường phải định vị mình đang ở đâu, đóng góp gì trong hệ thống giáo dục ĐH nói riêng, đóng góp gì với xã hội, với quốc gia dân tộc.
Ngày 12-12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Buổi làm việc nhằm lắng nghe, xử lý những vướng mắc mà trường đang gặp phải.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc Theo ông Vũ Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Tôn Đức Thắng, do có xuất phát điểm là trường dân lập nên ngay từ đầu trường phải tự lo cho mình mọi thứ kinh phí như xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, trả lương cho bộ máy… Tuy nhiên, trong 25 năm qua, trường đã phát triển liên tục ở hầu khắp các lĩnh vực như đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo… Trong đó, nổi bật về công tác kiểm định và xếp hạng ĐH, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Năm học 2021- 2022, trường đã công bố 622 công trình học được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục các tạp chí ISI, 40 công trình trên Scopus…. Việc khắc phục các sai phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được Chủ tịch Hội đồng trường đề cập. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay của trường là các quy định pháp luật không quy định biện pháp khắc phục đối với những hành vi vi phạm như các vấn đề của trường.
Mặt khác, do hiệu trưởng nhiệm kỳ cũ sau khi bị kỷ luật không thực hiện bàn giao công việc, nhiều nhân sự phụ trách công việc để xảy ra sai phạm đã nghỉ hoặc chuyển công tác nên không có hồ sơ đầy đủ.
Hiện nay, trường đang tiếp tục rà soát, đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Đặc biệt, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức xin ý kiến các cơ quan liên quan như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ TPHCM, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để có hướng khắc phục những sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản của nhà trường theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận trong thời gian qua, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được biết đến ngày càng rộng rãi không chỉ trong nước mà thế giới cũng biết đến thông qua các bảng xếp hạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trường cần hướng đến phát triển bền vững, cần định vị rõ ràng, cần cái nhìn thực tế sát thực và phù hợp nhất, đúng nhất, không tự ti nhưng cũng không ảo tưởng.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trường phải định vị mình đang ở đâu, đóng góp gì trong hệ thống giáo dục ĐH nói riêng, đóng góp gì với xã hội, với quốc gia dân tộc… phải lấy đó là mốc của tư duy. Phải nhận thức rõ ràng và không được nhầm lẫn rằng đã là cơ sở công lập thì phải tư duy công, trách nhiệm công, hành động công. Dù có tự do, tự chủ đến đâu cũng phải xác định rõ ràng là cơ sở công thực hiện sứ mệnh công.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trường định hướng trở thành ĐH nghiên cứu thể hiện nhiều ở các kết quả công bố quốc tế, đây là việc quý. Trong tổng số các công bố của các ĐH trong thời gian qua có đóng góp đáng kể của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nhưng các bảng xếp hạng phần lớn dựa vào công bố quốc tế, trong khi các yêu cầu của ĐH nghiên cứu cần nhiều thứ chứ không phải chỉ có công bố quốc tế. Nếu đã xác định là ĐH định hướng nghiên cứu thì câu chuyện nghiên cứu khoa học phải đặt những vấn đề lớn hơn thế.
Với một ĐH nghiên cứu lớn thì chiến lược nghiên cứu ở chỗ nào, những ý tưởng khoa học lớn là gì, có một chương trình khoa học lớn nào đang theo đuổi, có một nhiệm vụ khoa học đang là hoài bão theo đuổi trong 5 năm - 10 năm không, sản phẩm để làm niềm tự hào của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là gì... đã có chưa? Có phải 1.000 bài báo là 1.000 mảnh vỡ nhỏ nhưng không ghép lại thành cái gì cả… đấy có phải là nhiệm vụ của 1 ĐH nghiên cứu hàng đầu không? Do đó, trường cần lựa chọn trọng tâm của nghiên cứu khoa học để tập trung các nhóm nghiên cứu để làm tên tuổi thực sự của trường.
Ngoài các bài báo công bố quốc tế thì trường có gì…? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng muốn lớn thì phải lớn bằng những chương trình và nhiệm vụ khoa học lớn gắn với những bài toán lớn đang đặt ra như chống ngập ở TPHCM, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long…
Về những vướng mắc của trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, bộ sẽ đồng hành cùng nhà trường giải quyết những vướng mắc, tạo mọi điều kiện để trường phát triển.
THANH HÙNG