Theo đó, tọa đàm nhằm nhận diện triển vọng phát triển giao thông thông minh ở góc nhìn nhu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số.
Tại toạ đàm này, VGU cũng công bố Chương trình đào tạo cử nhân Kỹ thuật giao thông thông minh.
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng VGU, để nhận diện đầy đủ và hỗ trợ thúc đẩy xu thế đổi mới công nghệ giao thông vận tải hướng tới phát triển bền vững, nhà trường tổ chức buổi tọa đàm với các nhà quản lý và chuyên gia giàu kinh nghiệm làm việc trong khối doanh nghiệp và Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải để chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về các thị trường giao thông thông minh – đổi mới công nghệ, cơ hội nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết cho thế hệ kỹ sư giao thông thông minh.
Nhà trường cũng giới thiệu về Chương trình cử nhân Kỹ thuật Giao thông thông minh (Smart Mobility Engineering – SME), với sinh viên khoá 1 được tuyển sinh trong năm 2024. Mục tiêu đào tạo, khung chương trình, cơ hội nghề nghiệp, các trường đại học đối tác Đức cùng các điều kiện hỗ trợ đào tạo khác cũng đã được chia sẻ tại chương trình.
VGU kỳ vọng, qua chương trình sẽ trao đổi, thảo luận với các đối tác về các khả năng hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao, nghiên cứu chính sách và phát triển giải pháp công nghệ giao thông thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vạn vật (AioT), bản sao số (Digital Twins) cho các hệ thống giao thông và đô thị ở Việt Nam.