Sinh viên Việt Nam còn thiếu kỹ năng
Theo GS Honglim Ryu, Hiệu trưởng ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), trường ĐH có thể đóng vai trò dẫn dắt hoặc đi theo. Do sự phát triển nhanh của các công nghệ đột phá, số lượng trường ĐH có năng lực dẫn dắt - năng lực tạo ra những công nghệ đột phá mới có xu hướng giảm. Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ lớn đang đầu tư ngày càng nhiều vào nghiên cứu phát triển và tạo ra nhiều phát minh, nhiều công nghệ mới làm thay đổi xã hội. Yêu cầu về nhân sự của DN ngày càng cao, nhất là kiến thức, kỹ năng mới và họ thường phải đào tạo bổ sung. Đây là một thách thức lớn cho các trường ĐH hiện nay.
Đánh giá về nhân lực ở Việt Nam, ông Chang Bok Sang, Giám đốc CJ Group Việt Nam, cho rằng, sinh viên Việt Nam khi làm việc tại tập đoàn có kiến thức chuyên môn rất tốt, nhưng một bộ phận nhỏ có thái độ làm việc chưa nghiêm túc, tỷ lệ chuyển việc rất cao (trong 10 người thì có 7 người chuyển việc). Đây là vấn đề mà tập đoàn luôn đắn đo vì khi tuyển người, bao giờ DN cũng muốn họ gắn bó lâu dài.
Còn ông Jung Kyung Won, Phó Giám đốc phụ trách nhân sự và kinh doanh của Shinhan Bank Việt Nam, cho biết, ngân hàng có khoảng 2.000 nhân sự. Do tình trạng nhảy việc khá cao nên khi tuyển nhân sự người Việt cho quản lý cấp trung và cấp cao buộc phải ưu tiên cho người có kinh nghiệm và hạn chế tuyển sinh viên mới tốt nghiệp. Qua quá trình làm công tác nhân sự, ông nhìn nhận: khả năng ngoại ngữ (tiếng Hàn và tiếng Anh) của nhân sự Việt Nam còn hạn chế; chỉ 30-40% có thể sử dụng được tiếng Hàn trong thực tế. Chính vì vậy, để thăng tiến trong công việc, sinh viên phải xác định, nghiêm túc và quyết tâm trong việc học tiếng Hàn khi muốn làm việc tại các tập đoàn, DN của Hàn Quốc.
Theo ông Park Jong Ho, Giám đốc Topdev (Applancer JSC), ông có 13 năm làm việc tại Hàn Quốc về nền tảng tuyển dụng cho các DN Hàn Quốc. Từ năm 2020, ông làm việc tại Việt Nam. Về nhân lực công nghệ thông tin, ông cho rằng nhu cầu của các DN Hàn Quốc cần rất nhiều nhưng thực tế tuyển dụng rất khó. Có khi 3 tháng trời không tuyển được lập trình viên nào.
Nguyên nhân theo ông chính là DN đòi hỏi nhân sự phải có khả năng quản lý kinh doanh, 12% DN đòi hỏi giỏi tiếng Anh, 3% DN yêu cầu thông thạo tiếng Hàn, 8% DN yêu cầu giỏi tiếng Nhật. Mặt khác, nhiều trường đào tạo ngành công nghệ thông tin nhưng đào tạo các chuyên ngành ứng dụng không nhiều.
Trong khi đó, đại diện các tập đoàn Samsung Electrics HCMC, Mirae Asset Vietnam, POSCO Việt Nam, KOCHAM… đều cho rằng, cái thiếu của nhân lực Việt Nam là kỹ năng, sự chủ động tìm hiểu, giải quyết công việc một cách có trách nhiệm và sáng tạo.
Doanh nghiệp bắt tay trường đại học
Theo PGS-TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, vấn đề nhân lực chất lượng cao hiện nay là áp lực với các trường ĐH. Để có lời giải cho vấn đề này không còn cách nào khác là phải tăng cường sự hợp tác giữa trường, viện và các DN. Sư hợp tác này là nhu cầu tự thân. Song hiện nay, phía DN họ chỉ quan tâm đến tuyển dụng mà chưa thật sự tin tưởng để phối hợp, đặt hàng các trường đào tạo nhân lực cho mình.
Trong khi đó, PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, trường hiện có quy mô 27.000 sinh viên. Vì vậy, mỗi DN đặt ra yêu cầu phải đào tạo theo nhu cầu sử dụng của họ mà không có sự hợp tác, đặt hàng là rất khó. Ông cho rằng, nếu các DN Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ như các DN của Nhật Bản đã làm với trường (hơn 10 năm nay) sẽ rất tốt. Họ đặt hàng với nhà trường, từ năm 2, năm 3 trường đào tạo tiếng Nhật (do các DN và chuyên gia phía Nhật tham gia đào tạo). Sau đó, cho sinh viên thực tập tại Nhật Bản, sinh viên tham gia vào các dự án giải quyết những vấn đề trong DN Nhật Bản.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, những ý kiến trao đổi thẳng thắn giữa nhà tuyển dụng và nhà trường đã gợi mở ra nhiều vấn đề cho bài toán nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ hội tốt để các bên lắng nghe, tiếp thu và cùng tìm ra hướng giải quyết. Hy vọng trong tời gian tới, các tập đoàn lớn, DN Hàn Quốc sẽ có những cái bắt tay chặt chẽ với các trường, địa phương để cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, và năm 2023 đánh dấu 31 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sinh viên Việt Nam xếp thứ 2 về số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Hàn Quốc, điều này cho thấy mối gắn bó chặt chẽ về giáo dục giữa hai quốc gia. Ngược lại, số lượng người Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc và đầu tư không ngừng tăng lên trong thập kỷ qua, hiện có khoảng 170.000 người Hàn Quốc và hơn 8.800 DN Hàn Quốc chuyển hướng đến Việt Nam. Đây là những thuận lợi để đào tạo, trao đổi nhân lực chất lượng cao giữa hai nước, là trách nhiệm quan trọng của các ĐH và chính quyền.