Ngày 20-11, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐHQG TPHCM) kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển (1957-2017).
Đến dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TPHCM và một số địa phương, lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ cùng đông đảo các thế hệ thầy và trò nhà trường.
Ngày nay, với mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu, nhà trường tập trung đầu tư phát triển mạnh nghiên cứu cơ bản; đồng thời gắn kết nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng ụng, nghiên cứu liên ngành, gắn kết khoa học công nghệ với đào tạo.
Trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chú trọng xây dựng các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn tham gia vào việc giải quyết những vẫn đề cấp thiết của TPHCM, khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; những vấn đề quan trọng của Việt Nam học và Nam Bộ học phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trường cũng xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh có uy tín trong nước và quốc tế; đồng thời xây dựng trường thành cộng đồng nghiên cứu, môi trường học thuật phát triển, từng bước xác lập cho được trường phái khoa học mang bản sắc, dấu ấn riêng.
Hiện nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đi đầu trong chuẩn hoá và hội nhập, xây dựng chuẩn đầu ra các ngành đào tạo dựa trên các chuẩn đánh giá quốc tế như tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA hoặc theo hướng CDIO.
Theo Phó Chủ tịch nước, trường đã quy tụ được nhiều thầy cô giáo uy tín là những giáo sư đầu ngành có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao trong lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn. Đội ngũ này đã và đang đóng góp tích cực cho đời sống xã hội. Quy mô đào tạo của trường cũng ngày được mở rộng, chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao. Nhà trường đã đạt được những thành tựu rất tốt trong hợp tác quốc tế với hàng ngàn lượt sinh viên từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đến theo học. Qua đó trường đã làm tốt vai trò của sứ giả văn hóa của Việt Nam với thế giới.
Nói về những hướng phát triển của trường, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: "Trường phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, đặc biệt quan tâm cán bộ giảng viên trẻ để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh đó, cần tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các trường tiên tiến quốc tế. Và đặc biệt, quan tâm phát triển các ngành học khoa học cơ bản mang bản sắc riêng của nhà trường như: lịch sử, văn học, ngôn ngữ, Việt Nam học…